Hương ước giữ rừng

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả cánh rừng rộng hàng chục ha còn sót lại giữa vùng đồng bằng Quảng Trị vẫn được dân làng gìn giữ gần nửa thế kỷ qua. Rừng cũng chở che, chắn gió, cát và cung cấp nguồn nước không bao giờ khô cạn.

Cánh rừng với những nét đặc trưng của loại hình rú cát.
Cánh rừng với những nét đặc trưng của loại hình rú cát.

Cánh rừng trên vùng cát mà người dân nơi đây thường gọi với cái tên dân dã "trằm" nằm cạnh Quốc lộ 1A đoạn ngang qua xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trong rừng, bạt ngàn các loại cây đặc trưng của loại hình rú cát thuộc hệ sinh thái vùng khí hậu khô nóng của Việt Nam.

Bức bình phong của làng

Trong ký ức của ông Trần Đức Vĩnh (70 tuổi, người dân xã Vĩnh Long), khu rừng này có từ thuở xa xưa lập làng. Đến giờ này, trong rú vẫn còn ngôi mộ là một trong những tiền nhân khai khẩn của làng. Có những năm, người dân ở các xã lân cận kéo về tảo mộ và tưởng nhớ vị khai khẩn của làng.

Theo lời kể của các cụ cao niên, các bậc tiền nhân đã chọn nơi đây làm chốn lập làng bởi ở trên đồi cao, cánh rừng như bức bình phong vĩ đại chở che cho làng trước mưa bão và cát bay. Quan trọng hơn, những mạch nước từ rừng hợp thành dòng suối không bao giờ khô cạn tưới tắm cho cánh đồng phía dưới.

Trải dài trên diện tích hơn 44ha, cánh rừng như bức bình phong che chở gió bão, cát trôi cho làng và cánh đồng phía dưới.
Trải dài trên diện tích hơn 44ha, cánh rừng như bức bình phong che chở gió bão, cát trôi cho làng và cánh đồng phía dưới.

Thuở đó, cánh rừng trải dài về tận phía biển. Và có lẽ cánh rừng cũng nằm trong khu vực Truông nhà Hồ khi con đường thiên lý Bắc – Nam đã trải qua hàng thế kỷ. Rừng không chỉ là nơi cung cấp những sản vật, vật dụng hàng ngày mà trong những năm tháng chiến tranh, cánh rừng trở thành trận địa pháo, nơi họp bí mật, cất giấu lương thực, vũ khí. Thế nên, sau ngày giải phóng, cánh rừng cũng tàn phá vì bom đạn. Những hố bom đến giờ này vẫn nằm rải rác trong cánh rừng.

“Cũng như người dân nơi đây đứng vững trong mưa bom, bão đạn và tái thiết quê hương trên đống đổ nát, trằm này cũng sinh sôi mãnh liệt trở lại. Nhận thấy, cánh rừng quý giá và cung cấp nguồn nước quanh năm, người dân đã gìn giữ từ đó đến nay” - ông Vĩnh kể.

Dưới tán rừng là những loại hạt (một loại hạt dẻ) đặc trưng của loài hình rú cát.
Dưới tán rừng là những loại hạt (một loại hạt dẻ) đặc trưng của loài hình rú cát.

Để bảo vệ rừng, các bậc cao niên trong làng đã có những hương ước để mỗi người từ già đến trẻ phải có trách nhiệm giữ rừng. Ông Vĩnh cho biết, từ mỗi dòng họ đến mỗi gia đình phải dạy dỗ con cháu không được chặt phá cây, nếu ai vào đốn cây, chặt củi sẽ bị phạt lúa gạo.

Những thân dẻ cổ thụ bao phủ lớp rêu xanh được bảo vệ qua bao lâu nay nhờ hương ước của làng.
Những thân dẻ cổ thụ bao phủ lớp rêu xanh được bảo vệ qua bao lâu nay nhờ hương ước của làng.

Được bảo vệ, gìn giữ, rừng cũng cung cấp một lượng sản vật cho người dân vào các mùa quanh năm. Từ hạt dẻ, nấm..., đến các loại thảo dược quý. Quan trọng hơn, mạch nguồn tưới tắm cho 40ha lúa nước của thôn Thượng Hòa chưa bao giờ khô cạn. Rừng cũng là nơi cung cấp một lượng bổi (cách người dân sử dụng lá cây làm phân bón) nhằm tăng độ phì nhiêu đất canh tác nông nghiệp hay làm các loại nông cụ: Cán cuốc, xẻng, cày, bừa.

Mạch nước từ rừng đổ ra chưa bao giờ khô cạn.
Mạch nước từ rừng đổ ra chưa bao giờ khô cạn.

Nhờ nguồn nước mát lành đó, 8ha ao cá của người dân luôn đầy ắp nước. Nơi đây cũng là nơi cung cấp nguồn cá giống lớn cho huyện Vĩnh Linh và các huyện lân cận.

Rừng là nguồn sống

Ông Vĩnh cùng những thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Hòa dẫn phóng viên đi vòng quanh một vòng trằm.

Tổ thành viên quản lý, bảo vệ rừng của Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Hòa tổ chức tuần tra, kiểm tra cánh rừng.
Tổ thành viên quản lý, bảo vệ rừng của Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Hòa tổ chức tuần tra, kiểm tra cánh rừng.

Những cây dẻ cổ thụ phủ đầy rêu xanh đang cho vụ quả chín rụng đầy dưới gốc. Thi thoảng trong rừng, chúng tôi bắt gặp những người dân kéo nhau vào nhặt hạt dẻ hay hái nấm mối. Phần mang về làm quà, phần đem bán tạo nên nguồn thu nhập cho gia đình.

Một người dân trong làng vào rừng nhặt hạt dẻ.
Một người dân trong làng vào rừng nhặt hạt dẻ.

Đặc biệt, ở trong rừng xuất hiện khá nhiều loài thảo dược quý như: Cây Mật nhân (sâm alipas) - được cho là có khả năng chữa bách bệnh rất hiệu quả trong dân gian - Chạc chìu, Máu chó, Dung chè, Khổ sâm, Sâm cau... Tuy nhiên, trước đây bị người ở nơi khác lén lút đến đào khai thác nên giờ còn những cây nhỏ đang hồi sinh.

Cây Mật nhân được cho là có khả năng chữa bách bệnh.
Cây Mật nhân được cho là có khả năng chữa bách bệnh.

Theo các nhà nghiên cứu, dù không còn rộng như trước, nhưng cánh rừng ”trằm Vĩnh Long” vẫn giữ những nét hoang sơ của loại hình rú cát. Nơi đây chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú với tầng cây gỗ trong thảm thực vật có đường kính từ 6 - 25cm, chiều cao từ 6 - 11m.

Trong đó có các loài cây họ Sồi dẻ gồm các loài Sồi dẻ, Dẻ ăn quả; họ Long não gồm các loại Hậu phát, Bời lời, Chập chại; họ Sim gồm các loại Trâm; họ măng cụt gồm có Rõi mật, Bứa… Trong thảm thực vật tự nhiên trên cát có các loài động vật như: Rắn, chồn, sóc, bìm bịp, cu đất, họ chim sâu.

Dưới tán rừng đủ các loại nấm có thể chế biến thành thực phẩm. Đến mùa, người dân hái mang đi bán có thêm một nguồn thu nhập trong những ngày nông nhàn.
Dưới tán rừng đủ các loại nấm có thể chế biến thành thực phẩm. Đến mùa, người dân hái mang đi bán có thêm một nguồn thu nhập trong những ngày nông nhàn.

Ông Trần Đức Hoàn - Phó Giám đốc Hợp tác xã Thượng Hòa cho biết: ''Trước đây, rừng được gìn giữ bởi ý thức của người dân nơi đây. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng một số người vào rừng lén lút chặt cây trái phép.

Thế nên, UBND xã đã giao cho hợp tác xã quản lý nhằm bảo vệ diện tích rừng tốt hơn. Hiện toàn bộ diện tích của rừng rộng hơn 44ha. Với các tổ được phân công thường xuyên tuần tra, kiểm tra nhằm bảo vệ cánh rừng''.

“Việc bảo vệ rừng cũng được bà con ủng hộ rất cao vì người dân xem cánh rừng là nguồn sống của họ. Rừng vừa chống xói mòn, cát trôi khi mùa mưa lũ vừa đảm bảo môi trường. Dân làng thường tự bảo ban nhau: “rừng tàn thì làng mạt” - ông Hoàn nói.