Lớn, nhỏ đều gặp khó
Năm 2012 đang dần khép lại với nhiều lo lắng cho DN dệt may, dù doanh thu và kim ngạch XK tăng nhưng lợi nhuận giảm đến một nửa, hiệu quả kinh doanh không bằng năm 2011. Bài toán làm sao giữ vững sản xuất đang đặt các DN trước thử thách mới về thị trường.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần củng cố lại hoạt động, nâng chất lượng sản phẩm để tiếp nhận các đơn hàng đòi hỏi cao hơn.Ảnh: Việt Linh
Hiện các DN đang hoàn tất những đơn hàng cuối cùng cho mùa thu đông. Hàng năm đây được xem là mùa XK chính với những đơn hàng có giá trị, lợi nhuận nhiều nhất. Tuy nhiên, tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới khiến đơn hàng sản xuất mùa mua sắm cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh. Đặc biệt, các nhà nhập khẩu (NK) EU đang chuyển dần đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh nhằm tiết kiệm chi phí, do những quốc gia này còn được hưởng ưu đãi với mức thuế suất NK 0%. Do vậy, kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, càng khiến DN lo ngại về khả năng đơn hàng tiếp tục giảm trong năm 2013.
Khó khăn đến nhiều nhất với những DN nhỏ, DN làm hàng gia công, do nhà NK lớn luôn muốn làm việc trực tiếp với nhà sản xuất để giảm chi phí khi phải thông qua các khâu trung gian như trước đây.
Tăng năng lực cạnh tranh
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas, đáng lo nhất là giá bán hàng dệt may không tăng trong khi mọi chi phí đầu vào đều tăng và sẽ tiếp tục tăng. Trong hoàn cảnh này, DN nhỏ và vừa phải củng cố lại hoạt động sản xuất, đầu tư, nâng chất lượng để tiếp nhận đơn hàng đòi hỏi cao hơn. Quan trọng nhất là thay vì ngồi chờ nhà NK truyền thống, DN cần trực tiếp tìm gặp khách hàng mới, cơ cấu lại thị trường XK, trong đó quan tâm nhiều hơn tới thị trường tiềm năng, như Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng XK sợi sang Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, châu Phi…
Phân xưởng may xuất khẩu của Công ty CP May 10.Ảnh: Trần Việt
Ông Lê Quốc Ân, Cố vấn cao cấp của Vitas, thành viên nhóm công tác tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho biết, hiện thuế suất trung bình 1.000 dòng thuế NK vào Mỹ của Việt Nam là khoảng 17%, mức thuế cao trên 30%. Nếu đàm phán TPP thành công, dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội được giảm, miễn còn 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của hàng dệt may Việt Nam khi vào thị trường này. Năm 2012, XK dệt may Việt Nam vào Mỹ dự kiến đạt 7,6 tỷ USD, đến năm 2015, nếu như TPP có hiệu lực, sẽ tăng lên 13 tỷ USD, tăng trưởng trên 15%. Việc này sẽ tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dệt, nhuộm, nguyên phụ liệu tại Việt Nam.
Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, các khách hàng đang đàm phán để tăng năng lực sản xuất đơn hàng ở thị trường Việt Nam lên cao hơn. Kể từ 2010, năm đầu tiên Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, đến nay, Nhật đã chiếm hơn 13% thị phần XK dệt may của Việt Nam. Dự kiến với mức tăng trưởng ổn định, XK dệt may vào thị trường này cả năm sẽ vượt 2 tỷ USD.
Ngoài ra, nhiều DN đã tiếp cận thị trường Nga được đánh giá rất tiềm năng. Song, do phương thức thanh toán ở thị trường này chưa thuận lợi nên vẫn còn hạn chế, dù vậy điều này sẽ được khắc phục khi Nga đã chính thức gia nhập WTO.