Nhiều hoạt động thiết thực
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; chào mừng Tháng Công nhân năm 2024, hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), sáng 5/3 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hà Đông đã tổ chức chương trình truyền thông “Thì thầm phái đẹp”, tặng quà nữ đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) có hoàn cảnh khó khăn, phát động mô hình “Nuôi ước mơ cho em đến trường”.
Tại hội nghị, LĐLĐ quận Hà Đông đã mời trên 100 nữ cán bộ, ĐVCĐ tại các công đoàn cơ sở đến nghe bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trao đổi về sàng lọc ung thư phụ khoa, đó là các vấn đề liên quan đến ung thư tử cung, ưng thư vú và cách tự nhận biết, phòng tránh, cũng như thăm khám. Cũng trong dịp này, LĐLĐ quận Hà Đông đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức khám tầm soát ung thư sớm cho chị em phụ nữ.
Chủ tịch LĐLĐ quận Hà Đông Lại Hà Phương cho biết: “Ngoài mời chị em đến nghe về sàng lọc ung thư phụ khoa, chúng tôi còn phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức khám tầm soát ung thư sớm cho khoảng 100 chị em là ĐVCĐ nữ tại cơ sở có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp chị em có điều kiện tiếp cận với y tế, đảm bảo sức khỏe để lao động. Tổ chức tuyên truyền, chăm lo sức khỏe cho chị em nữ ĐVCĐ, tham quan, học tập kinh nghiệm và nghe giáo dục truyền thống tại các khu di tích lịch sử trên địa bàn”.
Chăm lo đến hoàn cảnh khó khăn
Bà Lại Hà Phương cho biết thêm: “Nhân dịp này, LĐLĐ quận Hà Đông đã trao quà cho 55 ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng. LĐLĐ quận cụ thể hóa việc chăm lo đời sống cho ĐVCĐ bằng việc phát động mô hình “Nuôi ước mơ cho em đến trường”, nhằm động viên và quan tâm chăm lo trực tiếp đến ĐVCĐ nữ tại cơ sở, giúp cho những con nữ ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn có kinh phí học tập cho đến khi 18 tuổi.
Với phương châm “xây dựng hoạt động tại chỗ”, đó là rà soát đối tượng tại chỗ, huy động nguồn lực tại chỗ, và lan tỏa mô hình tại chỗ. Nhân dịp này LĐLĐ quận Hà Đông đã trao 5 suất quà, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng/năm, bằng nguồn xã hội hóa cho 5 học sinh trên địa bàn là con nữ ĐVCĐ của quận”.
Chị Nguyễn Thị Quyên, giáo viên trường Mầm non Phú Lương 1, được nhận 3 triệu đồng từ các nhà hảo tâm cho con đi học xúc động kể: “Chồng tôi bị tai biến năm 2019, đến nay việc vệ sinh cá nhân phải có vợ con hỗ trợ. Một mình tôi phải nuôi 3 con ăn học mà chỉ có 8 triệu đồng tiền lương giáo viên mầm non. Khi được nhận 3 triệu đồng hỗ trợ cho 1 con ăn học tôi rất cảm động. Tôi thấy chương trình “Nuôi ước mơ cho em đến trường” rất ý nghĩa cho các con có điều kiện đi học. Cuộc sống của mình đã quá khó khăn, các con được đi học sẽ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống”.
Còn chị Trần Thị Én, giáo viên trường Mầm non Quang Trung (Hà Đông) chia sẻ: “Tôi đang đi thuê nhà ở, lương thu nhập từ một giáo viên mầm non khó khăn. Khi được nhận tiền hỗ trợ cho con đi học, rất cảm ơn mọi người đã tạo điều kiện cho con tôi cũng như các gia đình nữ ĐVCĐ khó khăn. Bởi đây là cơ hội cho con tôi và các gia đình khó khăn khác phát triển, vươn lên trong học tập. Tôi đánh giá cao vai trò của tổ chức công đoàn quận cũng như cơ sở đã quan tâm chăm lo đến đời sống của ĐVCĐ, người lao động”.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Hiệu trường - Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Quang Trung Nguyễn Thị Xuyến cho biết: “Cô Én có hoàn cảnh rất khó khăn. Hai mẹ con phải thuê nhà trọ. Con gái không có sự hỗ trợ nuôi cháu của bên gia đình chồng. Đồng lương giáo viên mầm non của cô Én rất thấp. Rất cảm ơn LĐLĐ quận cùng các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho hai mẹ con để giúp cháu có điều kiện mua sách vở, đồ dùng học tập, đến trường thuận lợi nhất. Đây là sự quan tâm ấm áp của các cấp công đoàn trên địa bàn quận đối với những ĐVCĐ còn khó khăn”.