Tiền mặt dễ “đánh quả” Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lượng tiền mặt trong dân tại Việt Nam lớn do yếu tố lịch sử và do các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt chưa phát triển. Vì vậy người dân khi ra khỏi nhà phải có tiền mặt trong túi mới yên tâm. Nhưng cũng vì lượng tiền mặt sẵn có trong tay, họ dễ bị rơi vào cám dỗ với tư tưởng “đánh quả” nhanh thông qua cá độ, cờ bạc, hay cho vay chợ đen với lãi suất cao, chơi hụi...
Vì vậy, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải mở rộng và khuyến khích hơn nữa các kênh đầu tư chính thống để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. Ở góc độ khác, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, lý giải do Việt Nam bị lạm phát cao trong nhiều năm khiến người dân có tâm lý tích lũy tiền mặt và tài sản khác nhau. Đồng thời với thói quen chi tiêu hạn chế, tiết kiệm nhiều nên lượng tiền mặt và các tài sản dễ dàng chuyển thành tiền như vàng, ngoại tệ... được lưu trữ trong dân khá nhiều. Hiện nay, việc đổ tiền đầu tư vào kênh nào còn tùy thuộc vào số vốn và sở thích, kinh nghiệm cũng như khả năng chịu đựng rủi ro của từng người. Nhưng bất động sản đòi hỏi cần vốn nhiều; chứng khoán chỉ dành cho người hiểu biết, có kinh nghiệm; vàng đang có rủi ro rất lớn khi chênh lệch giữa giá mua và giá bán cũng như chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khá cao. Đó là chưa kể với chính sách kiểm soát và không khuyến khích đầu tư vàng của nhà nước cũng sẽ tạo ra những rủi ro khi nhà đầu tư khó dự báo về biến động giá vàng trên thị trường. Vì vậy, theo TS Thuận, chỉ có kênh chứng khoán là cần được khuyến khích phát triển mạnh hơn để thu hút thêm dòng vốn nhàn rỗi trong dân chúng. “Quan trọng nhất là thị trường phải được phát triển bền vững, ổn định và tạo ra lợi nhuận thì dòng tiền nhàn rỗi sẽ chảy vào, tạo ra tâm lý đầu tư dài hạn để đồng tiền sinh sôi nảy nở chứ không còn kiểu đánh quả, ăn may như những vụ cá độ, tín dụng đen...”, TS Nguyễn Văn Thuận nói. Phát triển kênh chứng khoán Tính đến hết tháng 6/2016, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đạt 1,51 triệu tỷ đồng, tương đương 36% GDP. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào cuối năm 2015, giá trị vốn hóa của TTCK Philippines bằng 72,3% GDP, Malaysia đạt 98,1% GDP, của Thái Lan bằng 84% và ngoại lệ của Singapore lên tới 203,6%. Đặc biệt, số lượng công ty niêm yết hiện chỉ 686 đơn vị cũng là quá ít ỏi so với số lượng hơn 500.000 doanh nghiệp trên cả nước. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng than phiền không biết mua gì trên TTCK bởi chỉ có vài công ty đáp ứng được yêu cầu về quy mô, chất lượng thì nhà nước sở hữu phần lớn. Trong khi đó số doanh nghiệp tư nhân lại phát triển không ổn định, thiếu quy mô lẫn chiến lược phát triển… TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cũng cho rằng vai trò của TTCK trong nền kinh tế còn rất khiêm tốn. Điều này khiến cho hệ thống doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào vốn vay từ hệ thống ngân hàng. Trong khi ở các nước, hầu như doanh nghiệp chỉ vay vốn ngắn hạn từ ngân hàng, còn vốn trung dài hạn đa số huy động thông qua TTCK. Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán HSC, để phát triển mạnh hơn TTCK còn ít nhất 2 việc phải làm. Đó là tiếp tục cổ phần hóa và bán vốn nhà nước, đưa các doanh nghiệp còn lại lên niêm yết trên sàn chứng khoán. Thứ hai là tập trung mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Phát triển thêm các nhà đầu tư tổ chức trong nước, đặc biệt là các quỹ hưu trí tự nguyện để huy động được dòng vốn nhàn rỗi từ người dân, nhất là huy động từ những người chưa hoặc không tự mình tìm hiểu đầu tư về chứng khoán. Thông qua các quỹ, nhà đầu tư cá nhân sẽ hạn chế được rủi ro để tự đầu tư như hiện nay và từ đó mới tự tin để đưa tiền vào thị trường. Còn theo TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thời gian qua vấn đề giám sát thị trường, giám sát hoạt động các công ty niêm yết chưa đạt kỳ vọng của nhà đầu tư. Từ đó khiến chất lượng của TTCK nói chung chưa được nâng cao. “Quản trị của nhiều công ty chưa đạt chuẩn, không có chiến lược rõ ràng hay chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Nhiều cổ phiếu dễ bị làm giá. Việc quản lý phát hành thêm cổ phiếu, sử dụng vốn của nhà đầu tư... còn lỏng lẻo. Từ đó sự minh bạch của thị trường cũng chưa được nâng tầm khiến niềm tin nhà đầu tư không cao. Vì vậy cần phải định vị lại các sàn chứng khoán, nâng chuẩn chất lượng hàng hóa bên cạnh việc phát triển thêm các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức để tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư. Từ đó mới có thể khuyến khích người dân mạnh dạn bỏ tiền vào TTCK, tạo ra kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp hơn nữa”, TS Lê Đạt Chí nói.
Thu hút thêm dòng tiền nhàn rỗi trong nước tham gia chứng khoán |