Huy động tối đa các nguồn lực khắc phục hậu quả bom mìn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 3/4, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức Chương trình Giao lưu “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4/2018.

Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới nâng cao nhận thức và hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, ngày 4/4.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những hậu quả rất nặng nề của bom mìn và chất độc hóa học vẫn hiện hữu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và an toàn môi trường sống trên nhiều vùng của đất nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại chương trình, đã ra mắt Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701); công bố hiện trạng bom mìn tồn lưu sau chiến tranh giai đoạn 1; trao đổi kinh nghiệm khắc phục hậu quả bom mìn ở các địa phương, các tổ chức quốc tế, gặp mặt các nhà tài trợ lớn trong và ngoài nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 701 cho rằng, mặc dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng hiện nay những hậu quả rất nặng nề của bom mìn và chất độc hóa học vẫn hiện hữu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và an toàn môi trường sống trên nhiều vùng của đất nước.

“Nhiều người dân đã mất đi cuộc sống của mình hoặc phải gánh chịu nỗi đau mất đi một phần thân thể, mất đi người thân. Chúng ta thực sự đau lòng khi đến thăm, chứng kiến của những thương binh, bệnh binh, các cháu bé mang trên mình thương tật do bom mìn, chất độc hóa học do chiến tranh để lại”, Thủ tướng chia sẻ. Đồng thời những hậu quả của sự tồn lưu bom mìn, chất độc hóa học còn làm hạn chế sự phát triển của kinh tế-xã hội và là thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Với mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vật nổ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo lập môi trường an toàn cho người dân, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, nâng cao nhận thức, quyết liệt hành động để khắc phục hậu quả, giảm nhanh diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, chất độc hóa học. Làm tốt công tác phòng tránh tai nạn, tích cực hỗ trợ nạn nhân.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người dân; làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn và chất độc hóa học, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chế độ, chính sách khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, nhất là về hỗ trợ y tế, việc làm cho nạn nhân và người có liên quan. Không ngừng chăm lo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bom mìn, chất độc hóa học ngày càng tốt hơn.

Tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia, các tổ chức trong nước và quốc tế để huy động tối đa các nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, cùng chung tay góp phần cải thiện điều kiện sống hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng chống tai nạn bom mìn, phòng chống tác hại chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh cho nhân dân.

Nhân buổi ra mắt Ban Chỉ đạo 701 và chương trình giao lưu hôm nay, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và đề nghị các quốc gia, các tổ chức, các cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục chung tay giúp sức với tinh thần nhân văn sâu sắc, “không để ai bị bỏ lại phía sau” cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh.

Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn giai đoạn 1 ở Việt Nam, cho thấy rõ hơn về hiện trạng, thách thức và sự cần thiết cấp bách đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả tồn lưu bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Tại Chương trình giao lưu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã nhắn tin ủng hộ công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh với cú pháp BM gửi 1403.

Đây là chương trình nhắn tin do Ban Chỉ đạo 701 phối hợp với Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) triển khai từ 09h00 ngày 31/3/2018 đến 17h00 ngày 30/4/2018. Mỗi tin nhắn đóng góp 20.000 đồng vào Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn.

6,1 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn

Kết quả điều tra, tính đến tháng 12/2014, cả nước có 9.116 xã, phường còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở các mức độ khác nhau chiếm 81,87%. Tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ tính đến thời điểm tháng 12/2017 là trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71 % diện tích đất cả nước. 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước đều bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mức độ tỉ lệ ô nhiễm khác nhau.

15 tỉnh có tỉ lệ diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ lớn nhất là: Quảng Ninh, Trà Vinh, Hậu Giang, Bình Phước, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bình Định, Đà Nẵng, Tây Ninh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Dương, Quảng Trị.

Loại đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nhiều nhất là đất thổ cư chiếm 94,7%; đất nông nghiệp chiếm 93,2%; đất mặt nước chiếm 80,5%. Đây là các loại đất mà hàng ngày người dân thường xuyên sinh sống và làm việc.


1.813 nạn nhân bom mìn, vật nổ

Theo kết quả điều tra, trong 5 năm trước điều tra có 49/63 tỉnh có tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra.Đã có 1.813 nạn nhân bom mìn, vật nổ, trong đó 919 người bị chết và 894 người bị thương. Tỷ lệ tử vong trong tổng số nạn nhân là 50,7 %.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn bom mìn, vật nổ là do việc tìm kiếm phế liệu (chiếm 31,19%), chơi đùa nghịch (chiếm 27,55%), tiếp đến là hoạt động trồng trọt, chăn nuôi (chiếm 20,34%) số vụ tai nạn.

Bom mìn, vật nổ đã tác động đến tâm lý và đời sống, kinh tế của người dân. Nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các địa phương đã bị ảnh hưởng và tăng chi phí bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ở những nơi còn sót lại càng nhiều bom mìn, vật nổ thì ngay cơ xảy ra tai nạn bom mìn càng lớn.