Gặp nhiều khó khăn
Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, trong năm 2016, các làng nghề Hà Nội đã tạo việc làm cho gần 800.000 lao động, giá trị sản xuất đạt gần 14.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động ở làng nghề đạt khoảng 35 triệu đồng/năm. Đặc biệt, thu nhập của người lao động tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hà Đông... lên đến 50 - 60 triệu đồng/năm...
Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề cũng đang gặp không ít thách thức. Đại diện cho làng nghề mộc Phù Yên (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Chí Điền cho biết: Hiện, xưởng sản xuất tại làng mộc Phù Yên cũng như các làng nghề khác chủ yếu được xây dựng tại gia đình nên mặt bằng chật hẹp. Trong khi tiền thuê đất trong các cụm công nghiệp cao mà nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh chủ yếu là vốn tự có nên khó thuê mặt bằng để mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, tuy UBND TP đã có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí cho phát triển các làng nghề, nhưng nguồn kinh phí này thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Các chương trình khuyến công, hỗ trợ tham gia hội chợ thương mại cho làng nghề chưa nhiều như mong muốn.
Thiếu vốn nên hầu hết máy móc thiết bị sản xuất tại các làng nghề đều cũ, công nghệ lạc hậu. Hệ thống giao thông nhiều nơi còn chật hẹp... ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của làng nghề. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, chất thải rắn... ở một số nơi đã đến mức nghiêm trọng. Nhằm thu hút du khách đến Hà Nội, ngành du lịch đã xây dựng một số tour du lịch làng nghề như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Tuy nhiên, do còn hạn chế về cơ sở vật chất như mặt bằng để xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh… nên việc xây dựng tour du lịch làng nghề chưa phát triển như kỳ vọng.
Giải pháp nào để hỗ trợ?
Để các làng nghề Hà Nội phát triển, các đại biểu kiến nghị: Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội tạo cơ hội cho làng nghề tiếp cận vốn vay, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển làng nghề. Cụ thể, UBND TP đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư từ ngân sách và kêu gọi xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, hỗ trợ xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư vốn tín dụng cho làng nghề; Mở rộng cho vay ngoại tệ, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng như các mặt hàng phát triển nghề và làng nghề.
Trước những kiến nghị này, phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu rõ: Để thúc đẩy sự phát triển nghề và làng nghề trong năm 2017, TP đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 16/2/2017. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách về phát triển nghề, làng nghề; Đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân cấy, truyền nghề; Tiếp tục tập trung nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thực hiện việc kết nối ngân hàng - DN; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ TP, Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các làng nghề cần tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường; Bố trí mặt bằng giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, gắn việc phát triển làng nghề với phát triển du lịch...
UBND TP đã báo cáo Thành ủy đưa kế hoạch thực hiện chính sách khuyến khích phát triển làng nghề TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 thành một nhánh của Chương trình 02/CTr/TU của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020; Đồng thời kinh phí được bố trí theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phó Giám đốc Sở Công Thương Đàm Tiến Thắng |