Vùng sản xuất rau tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Chuyển dịch kinh tế góp phần giảm nghèo
Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa theo kế hoạch của TP, huyện Chương Mỹ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 522ha từ đất lúa sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, huyện Chương Mỹ là một trong số những địa phương đầu tiên của Hà Nội ban hành và từng bước triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị vượt trội như: Rau an toàn thị trấn Chúc Sơn, bưởi hữu cơ xã Nam Phương Tiến, lúa gạo hữu cơ xã Đồng Phú…Cùng với trồng trọt, chăn nuôi tiếp tục có bước phát triển ổn định. Toàn huyện hiện có 80 trang trại gà đẻ trứng và 82 trang trại chăn nuôi lợn. Đáng chú ý, các trang trại trên đều có hợp đồng liên kết gia công, thu mua, tiêu thụ sản phẩm với các tổ chức, DN, cá nhân. Qua đó, tạo đầu ra tương đối ổn định cho chăn nuôi.Nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập, huyện Chương Mỹ tập trung đôn đốc, triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho biết, hàng năm, huyện bố trí kinh phí trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng để thực hiện các chương trình đào tạo nghề, nhân cấy nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xúc tiến thương mại làng nghề… Phát triển nông nghiệp gắn với đa dạng nguồn sinh kế đã góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân trên địa bàn huyện. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người dân liên tục tăng qua các năm; số hộ nghèo hiện giảm còn dưới 3,65%.Chưa vơi nỗi lo thiên taiDù đã có những bước chuyển đáng ghi nhận trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, khó khăn chưa phải đã hết với huyện Chương Mỹ, nhất là ảnh hưởng của thiên tai. Nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, gần như năm nào, nông nghiệp huyện Chương Mỹ cũng chịu thiệt hại bình quân từ 2,5 - 3 tỷ đồng. Thậm chí, đợt mưa lớn xảy ra tháng 10/2017 đã khiến địa phương này bị thiệt hại về kinh tế lên tới gần 239 tỷ đồng. Cùng với đó là hàng nghìn nhà dân bị hư hỏng, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng bị tổn thương nặng nề…
Thiên tai diễn biến ngày một bất thường, trong khi hệ thống đê điều trên địa bàn huyện Chương Mỹ đang bộc lộ nhiều hạn chế khiến nỗi lo phòng chống mưa lũ, cũng như sản xuất nông nghiệp bấp bênh càng trở nên lớn hơn.Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, địa phương đang chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế tại những vùng trũng thấp sang các loại cây trồng cạn và chăn nuôi. Hàng năm, bố trí kinh phí để nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng và 3 hồ chứa thủy lợi phục vụ công tác thoát nước, tiêu úng. Địa phương cũng đã lên kế hoạch di dời người dân khỏi vùng thoát lũ để bảo đảm cuộc sống ổn định về lâu dài cho người dân.
Tuy nhiên theo ông Hùng, công tác di dời sẽ đòi hỏi kinh phí lớn mà nguồn lực địa phương khó có thể đáp ứng. Chính vì vậy, huyện kiến nghị TP quan tâm, có phương án hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, đầu tư nạo vét lòng sông và nâng cấp hệ thống đê điều sông Bùi, sông Đáy. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để địa phương có thể thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp bền vững.