Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Chương Mỹ gấp rút triển khai các phương án ứng phó với "siêu bão" Yagi

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothhi - Do ảnh hưởng của siêu bão Yagi, từ đêm 6/9 đến sáng nay, 7/9, trên địa bàn huyện Chương Mỹ mưa to, gió lớn đã tràn về.

Đến 11h30 trưa 7/9, trên địa bàn huyện, mưa ngày một nặng hạt, gió bắt đầu mạnh và có xu hướng giật liên hồi. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu thông tin, d ảnh hưởng của mưa đêm qua, sáng nay một vài xã của huyện Chương Mỹ đã có hiện tượng lúa bị gãy đổ, tuy nhiên diện tích không đáng kể.

Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn Nguyễn Tiến Hạnh thông tin, để đề phòng mưa bão, ngay từ chiều qua (6/9), chính quyền thị trấn đã rà soát hệ thống cây xanh trên địa bàn và xử lý những cành có nguy cơ gãy, đổ; gỡ các pano, áp phích, biển quảng cáo, đề phòng rủi ro tai nạn từ những vật này gây ra nếu bão lớn đổ về.

Chủ tịch UBND xã Chúc Động Phùng Xuân Toàn cho biết, đến sáng nay, mực nước sông Bùi vẫn chưa có sự biến động, nhưng chính quyền xã vẫn cảnh báo người dân kê kích tài sản lên chỗ cao ráo, gia cố lại các công trình dân sinh có dấu hiệu xuống cấp và tuyệt đối không chủ quan trước mưa bão. 

Đề phòng mưa bão, các tuyến đường trên địa bàn huyện Chương Mỹ vắng người lưu thông.
Đề phòng mưa bão, các tuyến đường trên địa bàn huyện Chương Mỹ vắng người lưu thông.

Trước thông tin về siêu bão Yagi, từ ngày 5/9, UBND huyện Chương Mỹ đã ra công điện chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, đề phòng những diễn biến bất thường như mưa, lũ, úng ngập và các sự cố thiên tai trên địa bàn. Cứ cách 2 giờ đồng hồ, hệ thống loa truyền thanh trong huyện lại thông báo tin tức và chỉ đạo của chính quyền về phòng chống mưa bão. Theo đó, các xã, thị trấn phải tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, các công trình xây dựng. Kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố đảm bảo an toàn công trình, tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ phục hồi sản xuất. Chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Triển  khai phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn; chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của người dân. Đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều, thủy lợi, có phương án sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống người dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra.

Trận mưa đêm 6/9, rạng sáng 7/9, đã ảnh hưởng đến diện tích lúa ở huyện Chương Mỹ, dù rất nhỏ.
Trận mưa đêm 6/9, rạng sáng 7/9, đã ảnh hưởng đến diện tích lúa ở huyện Chương Mỹ, dù rất nhỏ.

Rà soát, khoanh vùng nguy cơ ngập lụt, úng để có phương án phù hợp, chủ động vận hành hợp lý các công trình thủy lợi. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, các công trình, trụ sở ven sông, ven suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Kiên quyết tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng đặc biệt là tại các xã Tiên Phương, Hồng Phong, Thủy Xuân Tiên và thị trấn Chúc Sơn. Các xã, thị trấn chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang (thị trấn Xuân Mai và các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Hữu Văn, Hồng Phong, Trần Phú, Mỹ Lương, Tốt Động); phải chủ động phương án sơ tán Nhân dân. Tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản. Chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ, để đảm bảo đời sống nhân dân, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai xảy ra.

Đảm bảo an toàn lưới điện, cung cấp đủ nguồn điện để phục vụ tiêu úng, chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với giông lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ…

Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng, chủ động triển khai các phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra. 

Lực lượng chức năng tại xã Nam Phương Tiến sẵn sàng ứng phó với siêu bão Yagi.
Lực lượng chức năng tại xã Nam Phương Tiến sẵn sàng ứng phó với siêu bão Yagi.

Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng (xã sẽ ngập nặng nhất nếu mưa lũ tái diễn) thông tin, ngay khi có thông tin về siêu bão Yagi, 100% cán bộ xã đã ứng trực 24/24h. Chính quyền xã đã thông báo, để người dân chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng cho 15 ngày. Xã đã chuẩn bị sẵn 5000 bao tải, hàng nghìn mét khối đất đá, đề phòng đê điều sạt lở, sẵn sàng đắp vá. Rà soát toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp (rau màu, vật nuôi). Sẵn sàng di dời trạm y tế lên điểm cao, bố trí mỗi thôn 1 nhân viên y tế, để khám chữa bệnh cho người dân. Trường hợp ngập lụt trở lại, thầy cô giáo tại các trường cũng đã chuẩn bị sẵn phương án dạy trực tuyến, không để việc học của học sinh bị gián đoạn.

Vẫn theo ông Nguyễn Chiến Thắng, từ đêm 6/9, 100% quân số đã ứng trực tại trụ sở UBND xã, sẵn sàng ứng phó với diễn biến của mưa bão có thể xảy ra bất cứ lúc nào.