Ngày 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Đan Phượng đã có mưa to đến rất to kèm giông gió mạnh. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Đan Phượng, ghi nhận trên địa bàn huyện có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, gió giật cấp 10. Lượng mưa đo được trung bình toàn huyện từ 17 giờ ngày 6/9 đến 15 giờ 30 ngày 7/9 là 63mm. Riêng trong ngày 7/9 là 43mm.
Thống kê sơ bộ, gió mạnh đã khiến 25 cây xanh trên địa bàn huyện Đan Phượng bị gãy, đổ, trong đó trên tuyến đường N4 có 2 cây keo tai tượng, 2 cây sấu; đường Đan Phượng - Tân Hội có 2 cây sấu; đường Liên Hồng 2 cây bằng lăng tím; đường Quốc lộ 32 qua thị trấn Phùng 3 cây sấu; khu đô thị Tân Tây đô xã Tân Lập có 8 cây Osaka; Trường Tiểu học Thượng Mỗ có 6 cây điệp vàng.
Về sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng trọt bị ảnh hưởng do mưa bão của toàn huyện là 6,56ha. Trong đó diện tích lúa đổ nghiêng 1,2ha, ngô 0,36ha, chuối 5ha (đổ khoảng 2%, tương đương 0,1ha).
Ngay sau khi nhận được thông tin sự cố đổ cây xanh, lực lượng chức năng từ huyện đến các xã, thị trấn đã tăng cường kiểm tra, cưa cành, thu dọn cây đổ, trả lại giao thông thông thoáng trên các tuyến đường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới người dân cũng như các công trình.
Cũng trong ngày 7/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng và lãnh đạo xã Hồng Hà đã tiến hành kiểm tra, động viên các ngư dân làng chài của xã Hồng Hà trên sông Hồng neo đậu thuyền, bè cá và vào nơi trú ẩn an toàn.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, toàn xã có 11 hộ dân sinh sống trên sông và bè cá với tổng số 31 bè cá. Trước diễn biến của bão số 3, UBND xã đã có công văn khẩn yêu cầu cấp ủy chi bộ, cụm trưởng cụm dân cư kiểm tra trên địa bàn cụm kịp thời sơ tán Nhân dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất và các công trình nguy hiểm đến nơi an toàn, trong đó có các chủ phương tiện tàu, thuyền, bè, lồng...
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện Đan Phượng khuyến cáo người dân lưu ý không nên chủ quan, thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh. Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao; chủ động sơ tán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Cùng với đó, đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật; không trú tránh dưới các gốc cây, cột điện, vật dễ đổ. Người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa, mái tôn, trữ nước đầy các bồn chứa nước trên các mái nhà chống lật, đổ, rơi; cắt tỉa cành cây; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn công trình đang thi công.
Với sản xuất nông nghiệp, người dân cần gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ, nhất là người dân sinh sống trên sông.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, UBND huyện Đan Phượng kêu gọi Nhân dân tích cực, chủ động, hợp tác với chính quyền trong công tác phòng, tránh bão lụt nhằm đảm bảo vệ tính mạng, tài sản khi thiên tai xảy ra.