Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đông Anh: Đào tạo nghề còn nhiều bất cập

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao đời sống cho người nông dân. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2017, chị Nguyễn Thị Minh (xã Nguyên Khê) được tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm do huyện Đông Anh tổ chức. Sau lớp học nghề, chị Minh được giới thiệu vào làm việc tại một trại nấm trên địa bàn. Với số vốn và kinh nghiệm tích lũy được, vừa qua, chị Minh đã mạnh dạn thành lập trại nấm của riêng mình. 
 Sản xuất đồ mộc dân dụng tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh.
Chị Minh là một trong tổng số 1.645 lao động nông thôn được tham gia các lớp đào tạo nghề do huyện Đông Anh tổ chức trong hai năm 2017 - 2018. Thông qua các lớp đào tạo nghề, hàng nghìn nông dân trên địa bàn huyện bị thu hồi đất canh tác, gia đình có công với cách mạng, người khuyết tật, hộ nghèo… đã có việc làm mới với thu nhập ổn định hơn.

Dù vậy, công tác đào tạo nghề tại huyện Đông Anh hiện vẫn còn khá nhiều bất cập. Theo đánh giá, các lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức thường được triển khai khá muộn. Đơn cử như 21 lớp đào tạo nghề của năm 2018 chỉ được mở từ khoảng tháng 8, 9, 10/2018. Giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động nông thôn mới đạt khoảng 80%. Trong đó đáng chú ý, đối với nhóm ngành nghề nông nghiệp, học viên hầu hết không tạo được việc làm mới, chủ yếu vẫn làm nghề cũ.

Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đông Anh Hoàng Văn Hoàn cũng thẳng thắn chỉ ra, sự phối hợp giữa các sở, ban ngành và các cơ sở dạy nghề, DN trong giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo hiện chưa nhất quán. Tỷ lệ lao động được các cơ sở dạy nghề và DN tuyển dụng sau học nghề còn thấp. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho học viên cũng còn gặp rất nhiều khó khăn...

Dù vẫn còn những bất cập cần cải thiện nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa lớn của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, lao động sau đào tạo có việc làm không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân, mà còn góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, công tác này còn giúp từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp của huyện sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với định hướng xây dựng huyện Đông Anh trở thành quận vào năm 2020.

Bên cạnh tích cực triển khai giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bà Tám kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác đào tạo nghề tại cơ sở. Đồng thời có cơ chế, chính sách vận động các DN tích cực tham gia vào công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề. Theo bà Tám, TP không nên giao chỉ tiêu cụ thể số lượng học viên cho nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, để địa phương có thể linh động điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo trên cơ sở nhu cầu thực tế.