Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện duy nhất ở Quảng Ngãi nuôi thành công cá tầm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc nuôi thành công cá tầm ở huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) đã mở ra cơ hội cho người đồng bào Ca dong cải thiện kinh tế.

Cuối tháng 10/2023, lần đầu tiên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ (HTX NN&DV) huyện Sơn Tây xuất bán cùng lúc trên 1,3 tấn cá tầm. Lượng cá này đều đã trải qua gần 20 tháng nuôi, mỗi con bình quân có trọng lượng xấp xỉ 3kg.

Cá tầm được xuất bán sau gần 20 tháng thả nuôi.
Cá tầm được xuất bán sau gần 20 tháng thả nuôi.

Theo Giám đốc HTX NN&DV Sơn Tây Đinh Sang Sử, với giá bán khoảng 200.000 đồng/kg, lượng cá tầm xuất bán trên đã mang lại khoản thu nhập khá cao. Ngay sau đó, HTX tiếp tục liên kết và mua lại 5.000 giống của cá tầm Việt Nam để thả nuôi.

Lứa cá tiếp theo được thả nuôi với số lượng 5.000 con.
Lứa cá tiếp theo được thả nuôi với số lượng 5.000 con.

Huyện Sơn Tây là một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước với 82% dân số là người đồng bào dân tộc Ca dong. Nhằm tìm kiếm phương kế giảm nghèo nhanh, bền vững cho người dân, năm 2014, UBND huyện Sơn Tây giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành thực hiện mô hình nuôi cá tầm thử nghiệm tại xã Sơn Bua.

 

Theo kết quả rà soát, đánh giá cuối năm 2023, hiện toàn huyện Sơn Tây có 2.027 hộ nghèo/5941 hộ dân, chiếm tỷ lệ 34,12% và 582 hộ cận nghèo, tỷ lệ 9,8%.

Từ năm 2014-2017, đơn vị này thực hiện 2 vụ nuôi cá tầm với diện tích 500m2. Sau 2 vụ thử nghiệm cho thấy cá tầm giống ít bị bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, trọng lượng bình quân 2,5 - 5kg/con, với giá bán từ 200.000 – 300.000 đồng/kg.

Trên cơ sở thành công của mô hình nuôi thử nghiệm, năm 2018, UBND huyện Sơn Tây đã tiến hành bàn giao cho HTX NN&DV Sơn Tây tiếp tục mở rộng mô hình.

Diện tích ao nuôi được mở rộng từ 500m2 lên 1.800m2.
Diện tích ao nuôi được mở rộng từ 500m2 lên 1.800m2.

Tiếp quản mô hình, HTX tiến hành cải tạo, nâng cấp ao nuôi thành ao xi măng và mở rộng diện tích lên 1.800m2, đồng thời thả nuôi thả 3 vụ cá tầm, hiệu quả thu về rất khả quan.

Trong đó, vụ nuôi thứ nhất thả nuôi 2.000 con cá tầm. Sau 16 tháng cá được thu hoạch với tỷ lệ cá sống đạt 75%. Sản lượng cá toàn vụ đạt 3,75 tấn, thu về 750 triệu đồng. Trừ hết các khoản chi phí, HTX lãi 230 triệu đồng.

Vụ nuôi thứ hai thả 3.500 con, thời gian nuôi 18 tháng, trọng lượng trung bình đạt 2,5 kg/con. HTX thu hoạch được khoảng 6,3 tấn cá và bán với giá 250.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 1,58 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.

Cá tầm sinh trưởng và thích nghi tốt với điều kiện nước suối ở thôn Mang Tà Bể ,xã Sơn Bua.
Cá tầm sinh trưởng và thích nghi tốt với điều kiện nước suối ở thôn Mang Tà Bể ,xã Sơn Bua.

Ông Đinh Sang Sử cho biết, vụ thứ 3 HTX thả nuôi 4.000 con cá tầm, tỷ lệ sống lên tới 85%. Đây là tỷ lệ cá sống cao nhất kể từ khi HTX tiếp quản mô hình nuôi cá nước lạnh này.

Theo ông Sử, trong những năm đầu tiếp nhận mô hình, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Cá được đưa về nuôi thường xuất hiện bệnh ghẻ và đường ruột, số lượng cá hao hụt rất lớn. 

HTX đã nhờ các chuyên gia tư vấn về cách nuôi, xử lý khi cá gặp bệnh, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình nuôi cá tầm ở những địa phương khác trên cả nước nên dần nắm vững được kỹ thuật nuôi và cách xử lý khi cá gặp những bệnh trên.

“Sau 5 năm tiếp nhận, chúng tôi nhận thấy cá tầm rất phù hợp với dòng suối Nước Toa, thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua mà HTX đang nuôi", ông Sử nói.

Được biết, huyện miền núi Sơn Tây hiện là địa phương duy nhất ở Quảng Ngãi nuôi thành công loài cá này. Bởi lẽ cá tầm được mệnh danh là loài cá “nước lạnh”, chỉ ưa sống và sinh trưởng tốt ở nhiệt độ nước từ 18-25 độ C. Đây là điều kiện hiếm có nơi nào ở Quảng Ngãi đáp ứng được. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho hay, đến thời điểm này, mô hình nuôi cá tầm ở huyện Sơn Tây bước đầu mang lại hiệu quả cao. Dẫu vậy, việc nhân rộng mô hình là vấn đề cần được bàn tính và cân nhắc kỹ.

Cá tầm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cá tầm bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Cá tầm có giá trị kinh tế cao nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật nuôi, nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là nguồn thức ăn và con giống. Do đó, việc nhân rộng mô hình là điều trăn trở của lãnh đạo huyện, bởi nhận thức của bà con nơi đây vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc tìm vị trí nguồn nước phù hợp để nuôi cá tầm ngoài suối Nước Toa cũng rất khó khăn”, ông Giang nói thêm.