Huyện Gia Lâm cần phát huy lợi thế riêng - vị trí cửa ngõ Thủ đô

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/6, HĐND huyện khóa XIX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã tổ chức kỳ họp thứ Nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự và phát biểu chỉ đạo kỳ họp.

Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử huyện Gia Lâm, trong đợt bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp Thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021, huyện Gia Lâm có 99,46% tổng số cử tri đi bầu cử, trong đó có trên 73% khu vực bỏ phiếu có số cử tri đi bầu cử đạt 100%. Huyện đã bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, HĐND TP, HĐND huyện theo quy định.
duongcongtho
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải  phát biểu tại Kỳ họp.
Trước đó, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ TP Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm đã chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị: Đối với các đồng chí được tín nhiệm bầu vào các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND Huyện, nhiệm kỳ 2016 - 2021 cần bám sát Nghị quyết của Đảng, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và nhân dân trong huyện; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm cao nhất thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, phát huy thành tựu, kết quả và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn trong các nhiệm kỳ qua, nhất là giai đoạn 2011 - 2016, huyện Gia Lâm cần tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP, Nghị quyết Đại hội XXI Đảng bộ huyện; các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015 - 2020. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng về tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương và công tác cán bộ để bắt tay ngay vào hoạt động có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp.

Trong đó, đặc biệt tập trung vào khâu đột phá của Huyện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đó là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò gương mẫu của người đứng đầu, nhằm xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, với mục tiêu “phục vụ nhân dân và doanh nghiệp”. 
Bí thư Hoàng Tung Hải
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng các đại biểu.
Thứ hai, ngay sau kỳ họp này, HĐND huyện cần khẩn trương thực hiện các bước theo quy định của luật để đi vào hoạt động ổn định; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá mà Huyện đã đề ra để nâng cao chất lượng hoạt động. Trọng tâm là nâng cao chất lượng các kỳ họp, chất lượng ban hành Nghị quyết, đảm bảo đúng định hướng của cấp ủy, sát với đặc điểm tình hình và có tính khả thi cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của huyện.

Đối với các đại biểu HĐND đã được cử tri tín nhiệm bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương phải phát huy vai trò là người đại biểu của Nhân dân; là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Các đại biểu HĐND cần thực hiện nghiêm túc chương trình hành động của mình và chức trách nhiệm vụ của người đại biểu HĐND để xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri.

Thứ ba, đối với hoạt động của UBND huyện, cần tuân thủ nghiêm quy định của Hiến pháp, pháp luật, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, quy chế làm việc và nguyên tắc tập trung dân chủ; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động gắn với việc thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sắp xếp cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 05 của Thành ủy.

Huyện cần tập trung công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn, chất lượng vững chắc hơn. Chú trọng công tác đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung; tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. 

Đồng thời, huyện cần phát huy những lợi thế riêng có - vị trí cửa ngõ của Thủ đô, có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các tỉnh ở phía đông Thành phố để phát triển kinh tế. Giải quyết tốt hơn các vấn đề về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, môi trường… để xây dựng huyện Gia Lâm trở thành một trong những Huyện kiểu mẫu phía Đông của Thủ đô.

Đi đôi với phát triển kinh tế phải coi trọng phát triển văn hóa - xã hội, tiếp tục chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo; coi trọng chăm sóc sức khoẻ nhân dân; Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng chính sách, người nghèo. Bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh việc phát huy những thành tựu đã đạt được, Gia Lâm cũng phải nghiêm túc, chủ động có những giải pháp quyết liệt, khả thi, để khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, như: Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường...

Thứ tư, đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt phương án nhân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới, xứng đáng với kỳ vọng của cử tri và nhân dân đối với các đại biểu HĐND, xứng đáng với vị thế của huyện Gia Lâm. 
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Huy Việt - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm khóa XVIII tiếp tục được bầu là Chủ tịch HĐND khóa XIX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Phó Chủ tịch HĐND là các ông: Nguyễn Đức Hồng, Phùng Xuân Việt. Ông Nguyễn Khắc Định được bầu giữ chức Trưởng ban Kinh tế, ông Đinh Tất Thắng được bầu giữ chức Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện.

Ông Lê Anh Quân - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện. Các ông Nguyễn Ngọc Thuần, Lý Duy Thanh và Trương Văn Học được bầu tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện.