Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm không ngừng phấn đầu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của cha ông để lại. Thành tích trong công tác văn hóa thông tin của huyện Gia Lâm đã được các cấp, các ngành từ T.Ư đến Thành phố ghi nhận.Đến với Gia Lâm, mảnh đất ghi dấu tên tuổi của biết bao con người gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đó có hai trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian Việt là Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử. Gia Lâm là quê hương của Nguyên Phi Ỷ Lan, Ngọc Hân Công chúa, danh nhân Cao Bá Quát và biết bao vị anh hùng khác mà công tích của họ đã góp phần viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc.
Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Gia Lâm đang đổi thay từng ngày cùng với sự phát triển về kinh tế, các hoạt động văn hóa, xã hội cũng được đẩy mạnh, quan tâm, chú trọng. Bà Vũ Thị Hải Yến, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm luôn làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện về quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao, công nghệ thông tin, du lịch, gia đình..., đạt nhiều thành tích xuất sắc, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội".
Ngày 6/11/2003, Chính phủ ra Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh ranh giới hành chính thành lập quận Long Biên, Gia Lâm từ 35 xã, thị trấn còn lại 22 xã, thị trấn. Với những nỗ lực xây dựng một Gia Lâm hiện đại, văn minh, giàu đẹp, Đảng bộ và nhân dân huyện Gia Lâm hết sức quan tâm đến việc phát triển văn hóa, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Gia Lâm hiện có 257 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 129 di tích đã được công nhận xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng như Chùa - Đền Nguyên phi Ỷ Lan, Đền Phù Đổng, chùa Keo, Đền Chử Xá, Đình Đền chùa Sủi, chùa Nành, Đình Xuân Dục… có niên đại hàng trăm năm. Đặc biệt, cụm di tích Phù Đổng, Đền Bà Tấm đã gần ngàn năm tuổi… tiêu biểu cho diện mạo văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa Kinh Bắc và văn hóa Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo với kinh phí hàng trăm tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách và thực hiện xã hội hóa. Bên cạnh kho tàng văn hóa vật thể đồ sộ, Gia Lâm tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với những giá trị văn hóa phi vật thể còn lưu giữ trong gần trăm lễ hội trên địa bàn. Các lễ hội được quản lý tốt theo đúng quy chế của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Năm 2010, Lễ hội Đền Gióng (Phù Đổng) được tổ chức UNESCO thế giới công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức của nhân dân, huyện Gia Lâm thường xuyên thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền từ huyện đến cơ sở, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật.
Gia Lâm là huyện ven đô có tốc độ đô thị hoá nhanh, địa bàn rộng, đông dân nên công tác quản lý nhà nước trong hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa được coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy công tác xây dựng các kế hoạch, tăng cường kiểm tra các hoạt động văn hoá, kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể dục thể thao được quan tâm và ngày càng đi vào nền nếp.
Với phương châm xây dựng người Hà Nội, người Gia Lâm thanh lịch, văn minh, Huyện Gia Lâm đang từng bước đẩy mạnh phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển văn hóa. Tỷ lệ Gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa ngày càng tăng song vẫn đảm bảo chất lượng. Năm 2011, tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt 88,7%; 40 thôn làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Thành phố luôn đánh giá huyện Gia Lâm hoạt động có hiệu quả, nghiêm túc trong công tác bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 35%. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa thể thao được đẩy mạnh. Việc đầu tư thiết chế văn hóa được tăng cường, 100% thôn làng truyền thống có nhà văn hóa. Việc thực hiện Chỉ thị 27/CT- TW và Chỉ thị 14/1998/CT- TTg về thực hiện "Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội" trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực.
Với những nỗ lực đó, ngành Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm luôn được các cấp các ngành từ T.Ư đến Thành phố đánh giá cao, 5 năm liền (2004 - 2008) là đơn vị dẫn đầu khối ngoại thành. Năm 2009, Phòng Văn hóa và Thông tin được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Phòng Văn hóa và Thông tin được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen; Nhà văn hóa huyện được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2011, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Gia Lâm hôm nay đang đổi thay về mọi mặt, không ngừng vươn lên giành nhiều thành tựu, tạo thế và lực mới trong hành trình xây dựng và phát triển. Xin mượn lời ca khúc "Gia Lâm quê ta anh hùng" của nhạc sĩ Huy Thục để thay lời kết: "Gia Lâm đổi thay, sức sống dâng đầy, Gia Lâm thủy chung mảnh đất quê ta anh hùng" và mong rằng với những truyền thống sẵn có, Gia Lâm sẽ ngày càng vững bước trên con đường đổi mới để xứng đáng với truyền thống quê hương Gia Lâm cách mạng và anh hùng.