Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay huyện Hoài Đức có 23 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó 3 đoàn tuyến huyện và 20 đoàn tuyến xã, thị trấn. Các đoàn kiểm tra thường xuyên giám sát việc thực hiện quy định về ATTP tại các cơ sở; việc chấp hành các quy định pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các đoàn của huyện đã kiểm tra 42 cơ sở gồm 17 cơ sở sản xuất, 7 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Xử phạt 20 cơ sở (11 cơ sở sản xuất, 4 cơ sở kinh doanh, 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống), với số tiền 338.500 nghìn đồng; tịch thu tiêu hủy 16 loại sản phẩm trị giá hàng hóa 378.176 nghìn đồng. Đoàn kiểm tra của cấp xã, thị trấn cũng kiểm tra, giám sát 225 cơ sở, trong đó 29 cơ sở sản xuất, 27 cơ sở kinh doanh, 133 cơ sở dịch vụ ăn uống, 36 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Cùng với đó, xử phạt 20 cơ sở (10 cơ sở sản xuất, 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 6 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố) với số tiền phạt là 32.500 nghìn đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm theo quy định. Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh theo quy định.
Ngoài kiểm tra, giám sát và xử phạt, đài truyền thanh huyện và xã, thị trấn phát thanh 4 lần/tuần, hệ thống trang thông tin điện tử thường xuyên có bài tuyên truyền về ATTP. Trong “Tháng hành động vì ATTP năm 2024”, các đơn vị còn treo 89 băng rôn, 2 pano trên các trục đường chính và các địa điểm công cộng của huyện, xã, thị trấn. Tổ chức 6 lớp tập huấn, tuyên truyền công tác ATTP và phòng, chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm với gần 1.000 lượt người tham dự; các buổi nói chuyện lồng ghép trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hội phụ nữ, hội nông dân, ngoài ra ATTP tuyên truyền thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Từ đó ý thức, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo ATTP của các cấp, ngành, chủ cơ sở và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt. Vì thế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức không ghi nhận trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, khó khăn hiện trong việc đảm bảo ATTP là cán bộ phụ trách từ huyện đến cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm, các cơ sở thực phẩm do xã, thị trấn quản lý phần lớn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất có tính thời vụ; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm xen kẽ trong khu dân cư nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra. Ngoài ra do thực phẩm chủ yếu kinh doanh trong ngày, nguồn gốc được lấy từ các chợ đầu mối hoặc mua của các hộ dân, do đó việc lưu giữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc tại các chợ nông thôn chưa được thực hiện theo quy định…
"Từ thực tế trên, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến lĩnh vực ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các đoàn thể và Nhân dân trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh tham gia đầu tư trong sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn"- Trưởng phòng Y tế Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh nói tiếp.