Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Hoài Đức: Nỗi lo kênh tiêu xuống cấp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện có 4 tuyến kênh chính làm nhiệm vụ tiêu nước. Tuy nhiên, do nhiều năm không được tu sửa, nâng cấp, hầu hết các tuyến kênh đều đang bị xuống cấp ngày một nghiêm trọng, không bảo đảm công tác chống úng khi mưa lớn.

Lúa ngập trắng vì kênh vỡ bờ
4 tuyến kênh nói trên gồm: T2, T2-5, T2-6 và T2-9. Theo khảo sát, lòng dẫn hầu hết các tuyến kênh này đều đang bị bồi lắng, bờ kênh thấp. Ven các tuyến kênh có nhiều vị trí bị sạt, trượt... Mỗi khi có mưa lớn, nước kênh dâng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vỡ bờ.
Nỗi lo trên đã trở thành sự thật khi mới đây xảy ra trận mưa lớn vào thời điểm cuối tháng 5/2017, lượng mưa trung bình toàn huyện Hoài Đức lên tới trên 246mm. Nước ồ ạt đổ về hệ thống thủy lợi đã gây vỡ 6 điểm trên các tuyến kênh tiêu T2 và T2-6 đoạn qua địa phận xã Lại Yên. Bờ kênh T2-9 qua xã Kim Chung cũng bị vỡ 2 điểm. Trong khi kênh T2 đoạn qua xã Sơn Đồng cũng bị vỡ thêm 3 điểm khác.

Người dân xã Lại Yên, huyện Hoài Đức khắc phục sự cố vỡ bờ kênh T2 trong đợt mưa lớn cuối tháng 5/2017.

Trong số các vị trí xung yếu kể trên, nghiêm trọng nhất là việc kênh T2-6 đoạn qua xã Lại Yên bị vỡ, gây tràn toàn tuyến phía bờ hữu. Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên Nguyễn Đình Nam cho biết, thời điểm đó, địa phương đã phải chi khoảng 122 triệu đồng cùng với kinh phí huyện hỗ trợ trên 48 triệu đồng để mua bổ sung đất, cát, bao tải, cọc tre… Đồng thời huy động hàng trăm người dân thức trắng đêm tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố vỡ bờ kênh T2-6. Sự cố được khắc chế, nhưng cũng khiến hàng trăm héc-ta lúa mới cấy của người dân địa phương bị ngập trắng! Theo ông Nam, sự cố vỡ bờ kênh nêu trên chỉ giống như giọt nước tràn ly, bởi trước đó, gần như năm nào diện tích canh tác ven kênh T2, T2-6 của bà con nông dân xã Lại Yên cũng bị úng ngập khi trời mưa lớn.
Bao giờ mới được tu sửa?
Đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho thấy, hiện trên tuyến kênh T2-6 có khoảng 100m qua xã Lại Yên, bờ kênh bị sạt lở nghiêm trọng nhất và hiện không đủ khả năng chống úng. Trước diễn biến trên, UBND huyện Hoài Đức đã có Công văn số 3500/UBND-KT gửi Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy - đơn vị quản lý tuyến kênh, đề nghị tu sửa cấp bách bờ kênh T2-6 thuộc xã Lại Yên nhằm phục vụ công tác chống úng.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra thực địa tình trạng xuống cấp của kênh T2-6. Trên cơ sở đánh giá mức độ nghiêm trọng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã đã ký Văn bản số 1533/SNN-TL, đề nghị Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy khẩn trương tổ chức triển khai thi công sửa chữa, tu bổ các vị trí bị vỡ, xung yếu, nhằm bảo đảm công tác phòng chống thiên tai. Dù vậy, kể từ khi có văn bản đề nghị của UBND huyện Hoài Đức và Sở NN&PTNT Hà Nội đến nay đã hơn hai tháng, nhưng việc triển khai vẫn chưa được đơn vị quản lý tuyến kênh thực hiện. 
Trong văn bản phản hồi ý kiến của các đơn vị nêu trên, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cho biết ngắn gọn: Đơn vị đang triển khai các thủ tục liên quan để tiến hành thi công. Đơn vị này cũng thông tin thêm, Công ty đang trong giai đoạn trình Sở NN&PTNT Hà Nội thẩm định dự án “Tu sửa sạt lở, tôn tạo bờ kênh chống tràn một số vị trí trên các tuyến kênh T2, T2-6, T2-9”, đồng thời, đề nghị UBND TP phê duyệt kế hoạch đặt hàng năm 2017.
Đến nay, sau nhiều tháng tuyến kênh xảy ra sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sản xuất của người dân nhưng chưa được tu sửa, làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị quản lý công trình. Mùa mưa bão đang ở vào giai đoạn cao điểm, nếu không được tu sửa kịp thời, hệ lụy từ hệ thống kênh tiêu xuống cấp sẽ rất khôn lường. Và hứng chịu hậu quả lớn nhất, hơn ai hết, lại vẫn là những người nông dân.