Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Mê Linh: Đa dạng hình thức vận động người dân tiêu thụ hàng Việt

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch số 133/KH-BCĐCVĐ của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, huyện Mê Linh đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ, các đơn vị liên quan tích cực tổ chức triển khai.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mê Linh Hoàng Văn Tân cho biết, ngay khi có Kế hoạch số 133, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Mê Linh đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện. Trong đó, đề ra mục tiêu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan để từng bước tổ chức triển khai tại cơ sở.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, tuy nhiên Ban Chỉ đạo cuộc vận động của huyện Mê Linh đã tập trung phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ huyện tổ chức lồng ghép các nội dung của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào 8 hội nghị với gần 1.000 cán bộ, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội…
Vận động người dân tiêu thụ hàng Việt là giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cuộc vận động cũng đã tổ chức 2 hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình từ huyện đến cơ sở về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động.
Một yếu tố tích cực là các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cũng đã tích cực vào cuộc. Đơn cử như Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tập trung phổ biến kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm an toàn tại địa bàn các xã, thị trấn…
Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Mê Linh Hoàng Văn Tân, cho biết thực tế việc triển khai cuộc vận động trên địa bàn hiện nay còn nhiều khó khăn, khi nhận thức của một bộ phận cán bộ, Nhân dân, các đơn vị, DN về cuộc vận động còn chưa sâu.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị để triển khai các điểm bán hàng Việt, hội chợ triển lãm hàng Việt còn hạn chế. Vẫn còn tư tưởng sính hàng ngoại trong bộ phận người dân. Chất lượng hàng Việt hiện cũng không đồng đều…
Đại diện Ban Chỉ đạo cuộc vận động của huyện Mê Linh cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, việc tổ chức các hoạt động tập trung đang được địa phương cân nhắc, mong muốn chương trình đạt hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, theo ông Hoàng Văn Tân, địa phương sẽ tiếp tục kiện toàn thành viên của Ban Chỉ đạo từ huyện đến các xã, thị trấn bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao, vai trò trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo là hết sức quan trọng. Do đó, ông Hoàng Văn Tân mong muốn Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động các cấp cần chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và triển khai cuộc vận động thường xuyên, coi đây là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn huyện nói riêng, Hà Nội nói chung.