Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Mỹ Đức: Báo động ô nhiễm vì rác thải

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi ngày trên địa bàn huyện Mỹ Đức phát sinh ra khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng hiện việc thu gom xử lý mới thực hiện được khoảng 50%. Sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lượng rác thải tăng đột biến, nên tại một số xã bắt đầu xuất hiện tình trạng quá tải rác thải.

 Bãi rác trên đường vào xã An Tiến đã ngập tràn, không còn chỗ đổ. Ảnh: Trần Thụ

Rác tràn ra đường, gây ô nhiễm môi trường
Những ngày đầu năm này, dọc tuyến tỉnh lộ 429 (đoạn chạy qua xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức) không khó bắt gặp lượng rác thải lớn tràn ra nhiều đoạn đường. Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại xã Phúc Lâm từ lâu đã hình thành bãi thu gom, trung chuyển rác, nhưng do đơn vị thu gom không vận chuyển kịp thời, nên từ trong Tết Nguyên đán, rác trong bãi đã chất cao. Ra Tết lại được bổ sung một lượng lớn nên bãi tập kết này đã quá tải.
Tại lối vào xã An Tiến, bãi rác lớn cũng của xã cũng không còn chỗ chứa. “Hôm nay người ta đã dọn hết phần tràn ra, chứ mấy ngày trước rác tràn ra hết nửa đường kia”- một người nhặt phế liệu cho biết. Không đến mức tràn ra đến tỉnh lộ, nhưng bãi rác ở giữa cánh đồng xã Xuy Xá cũng trong tình trạng tương tự. Còn tại xã Tuy Lai, do 42 hộ dân xóm Chuôm bắc barie chắn lối vào bãi trung chuyển, nên từ lối vào rẽ vào xã đến các đường thôn, ngõ xóm, cứ cách vài chục mét lại có một ụ rác. Do đã nhiều ngày không được vận chuyển, rác đã bốc mùi nên nhiều hộ dân thôn Đồng Mã đã phải gom thành những đống lớn, rắc vôi khử trùng. 
Xã không thể xử lý
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm Dương Văn Phú cho biết, theo quy định, cứ 2 ngày thì gom rác một lần, nhưng có thời điểm, phải hơn chục ngày đơn vị thu gom mới xuất hiện. Do lượng rác rất lớn nên họ cũng chỉ vận chuyển được một phần, vì vậy bãi trung chuyển rác của xã Phúc Lâm chưa bao giờ được dọn sạch. “Để rác sinh hoạt không ảnh hưởng đến người dân, đã nhiều lần chính quyền xã đã phải chi tiền, vận động các trưởng thôn thuê xe công nông chuyển rác ra bãi chung của xã. Cố gắng lắm thì chúng tôi cũng chỉ làm được vậy”- ông Phú nói tiếp.
Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lai, Đinh Xuân Đàm cho hay: Xã có 14 thôn với hơn 14.000 nhân khẩu và 6 điểm gom rác. Bãi trung chuyển chính của xã được hình thành tại xóm Chuôm từ năm 2004, nhưng từ đầu tháng 11/2019, một số hộ dân (xóm Chuôm) lập barie, không cho xe vận chuyển vào nên hiện tại rác tồn đọng trong dân cư là điều khó tránh khỏi. 5 điểm gom lẻ ở các thôn cũng đã quá tải nên việc hiện nay rác thải ở Tuy Lai đang rất bí đầu ra. Đến 5/2, đơn vị thu gom mới vận chuyển được 2 xe, nhưng do rác thải nằm xen kẹt trong khu dân cư nên không thể dùng phương tiện cơ giới để bốc, vì vậy xã phải hỗ trợ 8 người ra vận chuyển rác lên xe bằng tay.
Theo lãnh đạo 2 xã Tuy Lai và Phúc Lâm, nếu không có sự hỗ trợ từ cấp trên, năng lực cấp xã sẽ rất khó xử lý vấn đề rác thải trong thời điểm này.
Cần giải pháp hữu hiệu
Trả lời câu hỏi của phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề rác thải tồn đọng trên địa bàn, ông Trịnh Xuân Viết – Chánh Văn phòng UBND huyện Mỹ Đức cho biết: Theo hợp đồng, mỗi ngày Công ty Minh Quân sẽ thu gom, vận chuyển 50 tấn rác trên địa bàn. Tuy nhiên, lượng rác phát sinh hàng ngày lên đến 100 tấn. “Rác thải phát sinh nhiều nhưng hiện tại đơn vị mới thu gom vận chuyển được một nửa” - ông Viết cho biết.
Trái với nhận định của ông Viết, một cán bộ xã Phúc Lâm (xin giấu tên) cho rằng, sở dĩ việc rác thải tồn đọng nhiều trên địa bàn Mỹ Đức là do năng lực thu gom của Công ty Minh Quân rất yếu. Vì thế nếu lượng rác trong toàn huyện chỉ xả ra 50 tấn/ngày thì “ông Minh Quân” cũng không kham nổi. Vẫn theo vị này thì công ty Minh Quân còn hay nợ lương công nhân, không đóng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động nên việc lãn công ở đơn vị này vẫn hay xảy ra.
Trước thực tế trên, nếu chính quyền huyện Mỹ Đức và các đơn vị liên quan không sớm có biện pháp xử lý dứt điểm lượng rác thải đang tồn đọng, tình trạng ô nhiễm môi trường, ẩn họa các mầm bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân.
Các đơn vị chức năng của huyện đã đi tham khảo mô hình lò đốt rác mini ở Ninh Bình, công suất khoảng 1 tấn/giờ, với chi phí xây dựng khoảng 10 tỷ đồng/lò. Nếu được TP đồng ý cho triển khai, đây là giải pháp rất hay, có thể xử lý dứt điểm tình trạng rác thải của 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Chánh Văn phòng UBND huyện Mỹ Đức Trịnh Xuân Viết