Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phú Xuyên sau sắp xếp sẽ còn 23 đơn vị hành chính cấp xã

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đề án, giai đoạn 2023 - 2025, huyện Phú Xuyên sẽ sắp xếp 8 đơn vị hành chính cấp xã thành 4 đơn vị. Như vậy, từ 27 đơn vị hành chính (trong đó có 25 xã, 2 thị trấn), huyện Phú Xuyên sẽ còn 23 đơn vị hành chính (gồm 21 xã và 2 thị trấn).

Trụ sở UBND xã  Hồng Minh hiện tại sẽ là trụ sở làm việc sau này của UBND xã Tri Trung sau khi sắp xếp 2 đơn vị hành chính Hồng Minh và Tri Trung  
Trụ sở UBND xã  Hồng Minh hiện tại sẽ là trụ sở làm việc sau này của UBND xã Tri Trung sau khi sắp xếp 2 đơn vị hành chính Hồng Minh và Tri Trung  

Bộ máy sẽ tinh gọn hơn

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, theo đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện, giai đoạn 2023 - 2025, huyện Phú Xuyên sẽ phải sắp xếp 8 đơn vị hành chính thành 4 đơn vị hành chính cấp xã để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo sắp xếp bộ máy tinh gọn. Huyện đã triển khai theo trình tự, thủ tục các bước sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025.

Qua đó, lấy ý kiến cử tri và trình kỳ họp HĐND các cấp việc điều chỉnh đơn vị hành chính của huyện trong năm 2024, cụ thể: nhập diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Tri Trung (diện tích tự nhiên 3,80km2, đạt 18,13% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 4.666 người, đạt 58,33% so với tiêu chuẩn) và xã Hồng Minh (diện tích tự nhiên 5,65km2, đạt 26,90% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 9.279 người).

Tri Trung là xã có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 nên thuộc diện phải sắp xếp. Hai xã Tri Trung và Hồng Minh phù hợp về vị trí địa lý, tương đồng về truyền thống văn hóa, điều kiện phát triển kinh tế xã hội, thuận lợi công tác quản lý. Kết quả sau sắp xếp thì xã mới có diện tích tự nhiên 9,46 km2 (đạt 44,64% so với tiêu chuẩn). Quy mô dân số 13.945 người (đạt 174,31% so với tiêu chuẩn).

Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề các xã: Văn Hoàng, Phú Túc, Hoàng Long (Phú Xuyên), Liên Châu (huyện Thanh Oai) và xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín). Nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới tại trụ sở xã Hồng Minh hiện tại. Tên gọi đơn vị hành chính sau khi sắp xếp là xã Hồng Minh

Nhập diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đại Thắng (diện tích 4,18km2, đạt 19,93% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 7.202 người, đạt 90,03% so với tiêu chuẩn) và xã Văn Hoàng (diện tích tự nhiên 6,03km2, đạt 28,71% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 7.526 người, đạt 94,08% so với tiêu chuẩn).

Lý do sắp xếp Đại Thắng do diện tích tự nhiên và quy mô dân số không đạt tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp xã quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 nên phải sắp xếp. Hai xã này phù hợp về vị trí địa lý, tương đồng về truyền thống văn hóa, điều kiện phát triển kinh tế xã hội, thuận lợi công tác quản lý. Kết quả sau sắp xếp xã sẽ có diện tích tự nhiên 10,21km2 (đạt 48,66% so với tiêu chuẩn). Quy mô dân số 14.728 người (đạt 184,10% so với tiêu chuẩn). Số dân là người dân tộc thiểu số 46 người (chiếm 0,31% dân số).

Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề gồm các xã Tân Dân, Hoàng Long, Phượng Dực (Phú Xuyên) và xã Văn Tự (huyện Thường Tín). Nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính tại trụ sở UBND xã Đại Thắng hiện tại. Tên gọi đơn vị hành chính sau khi sắp xếp là xã Văn Hoàng.

Trụ sở UBND xã Hồng Minh vừa được huyện Phú Xuyên đầu tư cải tạo và xây dựng thêm phòng làm việc
Trụ sở UBND xã Hồng Minh vừa được huyện Phú Xuyên đầu tư cải tạo và xây dựng thêm phòng làm việc

Thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định

Cùng với đó, nhập diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Sơn Hà (diện tích tự nhiên 3,78km2, đạt 18,02% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 6.304 người, đạt 78,80% so với tiêu chuẩn) và xã Quang Trung (diện tích tự nhiên 4,15km2, đạt 19,77% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 5.126 người, đạt 64,08% so với tiêu chuẩn).

Việc sắp xếp xã Sơn Hà và Quang Trung đều là xã có diện tích và quy mô dân số không đạt tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp xã quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 nên phải sắp xếp. Cả 2 xã phù hợp về vị trí địa lý, có sự tương đồng về truyền thống lịch sử, điều kiện phát triển kinh tế xã hội và tôn giáo. Và kết quả sau sắp xếp xã mới có diện tích tự nhiên 7,93km2 (đạt 37,78% so với tiêu chuẩn). Quy mô dân số 11.430 người (đạt 142,88% so với tiêu chuẩn). Số dân là người dân tộc thiểu số 48 người (chiếm 0,42% dân số).

Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề các xã: Tân Dân, Vân Từ (Phú Xuyên) và xã Văn Tự, Minh Cường (huyện Thường Tín). Nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới đặt tại trụ sở UBND xã Sơn Hà hiện tại. Tên gọi đơn vị hành chính sau khi sắp xếp là xã Quang Hà.

Nhập diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Nam Phong (diện tích tự nhiên 3,75km2, đạt 17,87% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 5.280 người, đạt 66,00% so với tiêu chuẩn) và xã Nam Triều (diện tích tự nhiên 5,88km2, đạt 28,00% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 7.200 người, đạt 90,00% so với tiêu chuẩn)

Cơ sở sắp xếp là do Nam Phong có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% theo tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp xã quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 nên phải sắp xếp.

Hai xã này phù hợp về vị trí địa lý, điều kiện phát triển kinh tế xã hội, truyền thống lịch sử, thuận lợi trong quản lý. Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Nam Phong 1930 - 2015, tháng 2/1948 xã Nam Phong được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Nam Phú và 2 xã Phong Triều, Nam Quất. Đến tháng 6/1956 xã Nam Phong tách ra thành xã Nam Phong và Nam Triều như hiện nay.

Kết quả sau sắp xếp xã mới diện tích tự nhiên 9,63km2 (đạt 45,87% so với tiêu chuẩn). Quy mô dân số 12.480 người (đạt 156,00%). Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề xã Nam Tiến, Hồng Thái, thị trấn Phú Xuyên và xã Minh Cường (Thường Tín). Nơi đặt trụ sở làm việc đơn vị hành chính mới tại trụ sở UBND xã Nam Triều hiện tại. Tên gọi đơn vị hành chính sau sắp xếp là xã Nam Phong.

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn của Phú Xuyên trước khi sắp xếp là 27 đơn vị (25 xã, 2 thị trấn). Còn sau sắp xếp sẽ có 23 đơn vị (gồm 2 thị trấn và 21 xã). Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm do sắp xếp là 4 đơn vị (gồm 4 xã). Việc triển khai và thống nhất sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Phú Xuyên được triển khai bài bản, công khai.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết, công tác tổ chức lấy ý kiến toàn bộ cử tri trên địa bàn các đơn vị hành chính tổ chức thực hiện công khai, minh bạch và đúng trình tự thủ tục theo quy định. Sau khi có kết quả, UBND cấp xã trình thông qua HĐND cấp xã và UBND cấp huyện cũng trình thông qua HĐND cấp huyện.

Qua đó làm cơ sở pháp lý để UBND huyện Phú Xuyên trình TP và ngày 25/4 UBND TP đã biểu quyết thông qua với đề án sắp xếp 8 đơn vị hành chính thành 4 đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của huyện Phú Xuyên theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra và sẽ được triển khai trong thời gian tới.