Huyện Phúc Thọ: Sức bật từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân, ngày 5/4/2022, HĐND huyện Phúc Thọ đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo. Kết quả đạt được đến nay là khá tích cực.

Giá trị sản xuất đạt 450 triệu đồng/ha

Cụ thể hóa Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND huyện, UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có 3 đề án và 7 kế hoạch để chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, xây dựng lộ trình cụ thể tổ chức triển khai thực hiện theo từng năm trên địa bàn huyện.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất là một trong những giải pháp được huyện chú trọng. Từ năm 2022 đến nay, hơn 164 tỷ đồng đã được huyện bố trí để cải tạo, nâng cấp đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương tại các xã, thị trấn.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã triển khai hỗ trợ 5 mô hình trồng trọt với trên 2.500 hộ tham gia. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ hàng chục nông hộ phát triển 6 mô hình chăn nuôi: trứng vịt, thịt lợn an toàn, dê sinh sản, cá trắm đen, ốc nhồi và cua, chạch.

Mô hình trồng nho hạ đen mang lại giá trị kinh tế cao tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trọng Tùng
Mô hình trồng nho hạ đen mang lại giá trị kinh tế cao tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Trọng Tùng

Cùng với đề án về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện Phúc Thọ đã phê duyệt đề án phát triển sản xuất hoa chất lượng cao tại xã Tam Thuấn và đề án phát triển làng nghề hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái tại xã Tích Giang. Việc triển khai hai đề án đã tạo sức bật cho phát triển nông nghiệp của 2 địa phương nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung.

Đến nay, xã Tam Thuấn đã phát triển được hơn 100ha trồng hoa, cây cảnh, tăng 10ha trong gần 1,5 năm đề án được triển khai. Tại xã Tích Giang, khoảng 140ha hoa, cây cảnh tiếp tục là nguồn thu kinh tế quan trọng của người dân. Sản xuất hoa ngày một chuyển đổi theo hướng hiện đại với việc áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và công nghệ chuyển đổi giống hoa, giúp mang lại giá trị vượt trội…

Với việc đẩy mạnh tái cơ cấu, ngành nông nghiệp huyện Phúc Thọ duy trì tăng trưởng trên các nhóm lĩnh vực. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện lên mức bình quân 450 triệu đồng/ha/năm.

Nhân rộng những mô hình hiệu quả

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Vũ Thị Huệ, qua 1,5 năm thực hiện, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng giá trị lớn nhất là đề án đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, những lợi ích của việc thay đổi phương thức tổ chức sản xuất. Những mô hình nông nghiệp mới theo hướng chuyên canh, tập trung xuất hiện ngày một nhiều hơn với sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, vừa qua, HĐND huyện đã giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-HĐND. “Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, HĐND huyện cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo để huyện tiếp tục khắc phục trong thời gian tới” - ông Nguyễn Đình Sơn cho hay.

Lãnh đạo huyện Phúc Thọ cũng nhấn mạnh, việc tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án của các phòng, ban, các xã, thị trấn.

Huyện cũng sẽ tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ năng sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Đánh giá năng lực hoạt động để xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy hiệu quả của các hợp tác xã trong phát triển chuỗi liên kết giá trị nông nghiệp.

 

 

Thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, HĐND huyện Phúc Thọ dự kiến bố trí khoảng 370 tỷ đồng để triển khai các nội dung thành phần thuộc đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo. Đến nay, huyện đã bố trí hơn 182 tỷ đồng để thực hiện các đề án, kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, huyện Phúc Thọ sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao theo hướng khai thác, phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của đề án theo từng năm và cả giai đoạn.