Nhiều chính sách thiết thực
Quốc Oai hiện có 7.143 người DTTS, trong đó người Mường chiếm gần 80%, sống tập trung ở 2 xã miền núi là Phú Mãn và Đông Xuân. Đối với người Mường, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc cụ, mà còn mang giá trị văn hóa quan trọng trong đời sống. Có thể nói, cồng chiêng là một phần hồn Mường. Đặc sắc là vậy, nhưng trước dòng chảy của xã hội và cuộc sống mưu sinh, tiếng cồng chiêng đã thưa dần trong đời sống người Mường ở Quốc Oai.
Một tiết mục tại Hội thi biểu diễn cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quốc Oai năm 2020. Ảnh: Nguyễn Nga |
Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Thu Hà nhớ lại: Từ năm 2016 trở về trước, số lượng cồng chiêng trong cộng đồng người Mường rơi rụng nhiều. Đội ngũ những người biết đánh, diễn tấu cồng chiêng chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều đã cao tuổi. Trong khi đó, thế hệ trẻ không có cảm hứng với nền âm nhạc dân tộc cũng như sự am hiểu về nhạc cụ dân tộc.Trước thực trạng đó, từ năm 2016, huyện Quốc Oai đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Mường huyện Quốc Oai”, trong đó có chuyên đề về cồng chiêng. Để hiện thực hóa đề án, UBND huyện Quốc Oai đã mua sắm, cấp trang phục truyền thống cho 2 đội cồng chiêng, dân ca nòng cốt của 2 xã Phú Mãn và Đông Xuân, đồng thời trang bị cho mỗi thôn 1 bộ cồng chiêng. Bên cạnh đó, huyện cũng mời chuyên gia và mở 6 lớp tập huấn, truyền dạy cồng chiêng trong đồng bào DTTS. Huyện cũng đặc biệt chú trọng truyền dạy cho lớp thế hệ trẻ. Các đội cồng chiêng còn tham gia biểu diễn tại các sự kiện do xã, huyện tổ chức. Việc sân khấu hóa cồng chiêng đã góp phần phổ cập, quảng bá đến đông đảo quần chúng Nhân dân. Bên cạnh đó, để thu hút và lan tỏa hơn nữa văn hóa dân tộc, hàng năm UBND huyện Quốc Oai tổ chức các hội thi như: Thi nét đẹp bản Mường, thi biểu diễn cồng chiêng, dân ca, hội thi thể thao dân tộc thiểu số, ngày hội văn hóa thể thao dân tộc thiểu số... Qua đó góp phần cổ vũ, giáo dục ý thức cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ.Tiếng cồng chiêng đã đi vào đời sốngSau 5 năm triển khai Đề án, đến nay, 2 xã Đông Xuân, Phú Mãn đã thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, dân ca; 12/12 thôn thành lập được đội cồng chiêng, dân ca. Đặc biệt, ở thôn Lập Thành (xã Đông Xuân) đã thành lập được câu lạc bộ cồng chiêng trẻ, các thành viên đều trong độ tuổi học sinh. Bà Đinh Thị Phu, thôn Cửa Khâu, xã Đông Xuân phấn khởi cho biết: Nhờ được TP và huyện quan tâm trang bị, mở các lớp dạy học cồng chiêng, văn hóa cồng chiêng nơi đây đã được phục dựng. Tiếng cồng chiêng đã lại vang lên trong những dịp lễ, Tết của người dân địa phương thay lời chúc cho gia chủ năm mới nhiều may mắn, no ấm, yên vui. Em Đinh Diệp Anh, học sinh lớp 7, trường THCS Đông Xuân chia sẻ: “May mắn được tham gia lớp học cồng chiêng, em đã hiểu và càng thêm tự hào về văn hóa của dân tộc mình”.Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết: Tuy đã có những tín hiệu đáng mừng, song để tiếng cồng, nhịp chiêng tiếp tục ngân vang, bay xa, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của ngành văn hóa với địa phương. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan liên quan trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá. Các cấp chính quyền địa phương có người DTTS sinh sống cần khuyến khích việc duy trì và khôi phục một số nét đẹp văn hóa cũng như loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong cộng đồng. Trong các lễ hội cần đầu tư, khôi phục và tăng cường tổ chức các lễ hội truyền thống, kết hợp với các hoạt động văn hóa mới, hiện đại để thu hút đông đảo cộng đồng tham gia.q