Huyện Sóc Sơn: Rốt ráo giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chung của vùng Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, huyện Sóc Sơn đang tập trung toàn lực, rốt ráo triển khai các nhiệm vụ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm này.

Nhân dân cơ bản đồng thuận

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, tổng diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 là gần 50ha. Trong đó, có hơn 40ha thuộc địa bàn xã Tân Dân và 9,6ha thuộc địa phận xã Thanh Xuân. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp, bao gồm phần diện tích được sử dụng làm nghĩa trang.

Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Văn Tuyết cho biết, địa phương đã tiến hành kiểm đếm các mộ phần tại 2 nghĩa trang trên địa bàn xã. Đến nay, đã thống kê các phần mộ nằm trên diện tích cần GPMB. Hiện, chính quyền xã đã tiến hành thẩm tra và đang tiếp tục thực hiện việc kiểm đếm phần còn lại.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Sóc Sơn dài 2,4km.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Sóc Sơn dài 2,4km.

Trong khi đó, tại xã Thanh Xuân, các ngôi mộ nằm trong khu vực dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đã được địa phương này hoàn tất việc kiểm đếm. Hiện, chính quyền xã đang tiến hành thẩm tra để thực hiện các bước hỗ trợ di dời theo quy định.

Để thực hiện việc di dời các ngôi mộ, huyện Sóc Sơn cũng đang tích cực triển khai các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp nghĩa trang trên địa bàn 2 xã Tân Dân và Thanh Xuân. Hiện nay, hàng nghìn mét vuông mặt bằng nghĩa trang thuộc 2 địa phương nêu trên đã có. Những ngày tới, việc tiến hành di dời những ngôi mộ đầu tiên có thể được thực hiện...

Sau khi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn công bố, niêm yết bản vẽ chỉ giới đường đỏ, đa số người dân 2 xã Tân Dân, Thanh Xuân đồng tình, ủng hộ cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. 

 

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn qua địa bàn huyện Sóc Sơn) có quy mô chiều dài khoảng 2,4km, mặt cắt đường rộng 90m. Điểm đầu của dự án kết nối với các tỉnh phía Bắc, cửa ngõ để vào nội thành; giao cắt với Quốc lộ 2, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 18 và Càng hàng không Quốc tế Nội Bài. 

Trưởng thôn Xuân Áp (xã Tân Dân) Nguyễn Văn Kỳ cho biết, để triển khai công tác di dời các ngôi mộ, chính quyền địa phương đã thành lập “tổ dân vận”, nhằm tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương của Nhà nước và TP Hà Nội, tạo thuận lợi cho các đơn vị của huyện, xã trong quá trình GPMB. Hệ thống phát thanh cơ sở cũng được tận dụng để đăng phát thông tin liên quan đến dự án đường Vành đai 4, đặc biệt là công tác hỗ trợ di dời các ngôi mộ.

“Thông qua tuyên truyền vận động của xã và hệ thống truyền thông, tôi cũng hiểu được về ý nghĩa của dự án đường Vành đai 4. Việc chấp hành sớm không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án mà bản thân các gia đình cũng có thêm kinh phí hỗ trợ…” - ông Chu Xuân Tình ở thôn Ninh Cầm (xã Tân Dân) - một hộ dân có phần mộ cần di dời, chia sẻ.

Cũng tại xã Tân Dân, nơi chiếm đến 4/5 diện tích cần GPMB của huyện Sóc Sơn, nhiều hộ dân đã tự nguyện giao đất nông nghiệp để Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang phục vụ di dời các phần mộ.

Ông Nguyễn Văn Gấm ở thôn Chợ Nga (xã Tân Dân) là 1 trong 12 hộ đầu tiên đã tự nguyện giao đất nông nghiệp canh tác lâu năm của gia đình cho dự án. Ông Gấm cho biết bản thân đã được nghe nói về dự án rất nhiều và luôn ủng hộ chủ trương chung vì sự phát triển của huyện Sóc Sơn.

Dù việc triển khai công tác GPMB nhận được sự ủng hộ cao của phần lớn các hộ dân nhưng vẫn còn đó một bộ phận nhỏ có những kiến nghị, đề xuất được đánh giá là chưa thực sự chính đáng. Đối với những ý kiến của người dân, xã Tân Dân và Thanh Xuân đều tiếp nhận, trả lời đầy đủ, đồng thời tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và chấp hành quy định pháp luật về GPMB, không để xảy ra khiếu nại.

Diện tích đất nông nghiệp tại xã Tân Dân dự kiến xây dựng nghĩa trang để di dời các phần mộ phục vụ dự án đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Diện tích đất nông nghiệp tại xã Tân Dân dự kiến xây dựng nghĩa trang để di dời các phần mộ phục vụ dự án đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Ứng trước kinh phí để tổ chức GPMB

Hiện nay, 2 nghĩa trang tại xã Tân Dân và Thanh Xuân đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tích cực hoàn thiện. Đối với nghĩa trang tại xã Thanh Xuân, đã chuẩn bị xong mặt bằng khoảng 3.500m2, có thể di chuyển 605 ngôi mộ; trong khi nghĩa trang tại xã Tân Dân cũng đã có được khoảng 4.000m2 mặt bằng, bảo đảm di dời được 700 ngôi mộ.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn Nguyễn Trường Giang cho biết, đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định, phê duyệt chi trả đợt 2 cho các hộ gia đình có phần mộ cần phải di dời. Trong tháng 12/2022, sẽ tổ chức bàn giao mặt bằng tại nghĩa trang cho các dòng họ, hộ dân.

Ngoài diện tích đất có các phần mộ, hiện nay huyện Sóc Sơn cũng đang chỉ đạo phòng ban, đơn vị chuyên môn tiếp tục kiểm kê đất nông nghiệp; lập và trình dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB để tiến hành chi trả cho các hộ dân trong thời gian sớm nhất.

Được biết, trong khi chờ UBND TP Hà Nội bố trí kinh phí để thực hiện những nhiệm vụ thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, huyện Sóc Sơn cũng đã chủ động bố trí nguồn lực địa phương để thực hiện hỗ trợ, chi trả cho các hộ dân theo đúng quy định; phấn đấu hoàn thành công tác GPMB cho dự án trọng điểm này trong tháng 6/2023. 

 

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được kỳ vọng mở ra cơ hội lớn để huyện Sóc Sơn thu hút đầu tư hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên đường; thu hút đầu tư các khu công nghiệp chất lượng cao, khu vực logistic phục vụ Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài…