Nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có tổng diện tích hơn 4.500ha rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý hơn 3.242ha; còn lại là diện tích do các xã, thị trấn của huyện quản lý.
Rừng Sóc Sơn là rừng trồng thuần loài, thảm thực vật dày. Địa hình các xã, thị trấn phức tạp, nằm giáp ranh với hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Các hộ dân sinh sống xen kẽ trong rừng. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch rừng còn nhiều bất cập khiến công tác quản lý và PCCCR gặp nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn nêu trên, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn đã chủ trì triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy rừng. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã thực hiện 30 đợt tuyên truyền lưu động về bảo vệ rừng và PCCCR; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tổ chức tập huấn về quản lý, bảo vệ rừng.
UBND huyện Sóc Sơn cũng chỉ đạo rà soát, lắp đặt 37 biển nội quy, cắm 500 biển cấm lửa, treo 600 banner tuyên truyền. Đồng thời kiểm tra 300 lượt, lập 300 biên bản phòng ngừa đối với các tổ chức, cá nhân trong PCCCCR để phòng ngừa, đánh giá nguy cơ cháy rừng…
Mặc dù đã chủ động triển khai các biện pháp PCCCR, tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Các vụ cháy đều được lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn phát hiện, tập trung khắc phục nhưng vẫn gây thiệt hại hàng chục héc-ta rừng.
Cần sớm điều chỉnh quy hoạch rừng
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, hiện nay, thời tiết đang bắt đầu vào mùa hanh khô. Để chủ động PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho 11 xã, thị trấn có rừng, các phòng, ban, đơn vị trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.
“Nếu xã nào đề xảy ra cháy rừng nhưng chậm phát hiện, báo cáo và xử lý, khắc phục không kịp thời, thì Chủ tịch của địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện…” - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh.
Thời gian tới, phòng Kinh tế huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các chủ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Tổ chức thực hiện tốt công tác thông báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra về bảo vệ, phát triển và PCCCR tại các xã, thị trấn.
Để làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đại diện Bộ Tư lệnh hoá học cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh công tác hiệp đồng chặt chẽ, UBND huyện cần bố trí thêm kinh phí để bổ sung trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác chữa cháy rừng, nhất là các loại máy thổi. Đồng thời, tiếp tục cải tạo, nâng cấp các đường băng ngăn lửa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và PCCCR thời gian qua trên địa bàn huyện luôn nhận đươc sự chỉ đạo của Thành uỷ - UBND TP Hà Nội và sự phối hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội. Công tác quản lý, bảo vệ rừng từng bước được đổi mới, góp phần giảm thiểu đáng kể các vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, huyện Sóc Sơn đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên thực hiện duy tu, sửa chữa các tuyến đường lâm nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ huyện trong triển khai dự án rà soát hiện trạng và đất lâm nghiệp, làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất UBND TP Hà Nội thực hiện điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn.