Hàng chục xe chở rác bị xử lý
Ghi nhận tại ngã 3 Quốc lộ 3 và đường dẫn lên Quốc lộ 18, những khi trời nắng, sau thời điểm xe vận chuyển rác chạy qua, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đến khi trời có mưa, nước mưa và nước rác pha lẫn nhau, ứ đọng ven đường khiến các hộ dân sống lân cận cảm thấy rất khó chịu.
Không chỉ trên tuyến Quốc lộ 3, hiện tượng này còn được ghi nhận thường xuyên tại Quốc lộ 2, Quốc lộ 18, tỉnh lộ 35… Một số địa phương chịu ảnh hưởng lớn, trong thời gian dài từ tình trạng ô nhiễm nước rỉ rác có thể kể tới như: Tân Dân, Thanh Xuân, Nam Sơn, Minh Phú…
Quyền Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn cho biết, hàng ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn tiếp nhận khoảng 6.000 tấn rác, do hơn 600 chuyến xe vận chuyển rác vào bãi. Theo quy định, tất cả các xe chuyên dùng vận chuyển rác trên địa bàn Hà Nội khi vận chuyển về bãi đều phải đăng ký phương tiện về Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT Hà Nội).
Các đơn vị vận chuyển đều cam kết vận chuyển rác đúng phương tiện, địa bàn, đúng chủng loại rác sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; sử dụng phương tiện chuyên dùng theo quy định, vệ sinh phương tiện sạch sẽ, không phát tán mùi, rò rỉ nước rác trong quá trình vận chuyển. Dù vậy, tình trạng rò rỉ nước rác trên đường vận chuyển vẫn xảy ra.
Trước tình trạng trên, UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Thanh tra Giao thông vận tải bố trí lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển rác thải trên các tuyến đường. Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng chục trường hợp xe vận chuyển để chảy nước rỉ rác ra đường đã bị xử lý. Tuy nhiên, phương tiện vận chuyển vẫn gây rò rỉ nước rác, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Cần sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch HĐQT Công ty CP môi trường đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, công tác tưới nước rửa đường trên địa bàn huyện được doanh nghiệp xây dựng phương án và triển khai thực hiện theo đúng khối lượng, tần suất của chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn).
Tần suất tưới nước rửa đường hiện nay tại huyện Sóc Sơn: Trên tuyến Quốc lộ 3 (từ cầu Phù Lỗ đến UBND xa Trung Giã) tưới 1 lần/ngày; tuyến tỉnh lộ 35 (nối từ Quốc lộ 2 sang Quốc lộ 3 tưới 3 lần/ngày; tuyến đường Quốc lộ 18 đi Quốc lộ 3 tưới 2 lần/ngày; tuyến đường Quốc lộ 2 (từ ngã tư Võ Văn Kiệt đến đầu tỉnh lộ 35) tưới 2 lần/ngày.
“Tất cả các phương tiện tưới nước rửa đường đều được lắp đặt GPS để theo dõi. Quy trình được gửi chủ đầu tư và các xã, có sự giám sát của người dân thông qua hình thức trực tiếp và camera an ninh của hộ gia đình sống ven các tuyến đường…” - Bà Nguyễn Thị Minh Tâm thông tin.
Dù việc tưới nước rửa đường vẫn được thực hiện, tuy nhiên thực tế tình trạng ô nhiễm nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển vẫn còn. Trước tình trạng đó, người dân nhiều địa phương kiến nghị chính quyền các cấp sớm có giải pháp khắc phục tại nhiều cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND TP Hà Nội. Dù vậy, tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Để tránh tình trạng nước rỉ rác ảnh hưởng đến người dân, nhiều cử tri cũng đề nghị UBND huyện Sóc Sơn cần tiếp tục chỉ đạo công an và thanh tra giao thông vận tải tăng cường tần suất tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển rác thải vi phạm quy định kỹ thuật trong quá trình vận chuyển.
Cùng với việc thường xuyên đánh giá chất lượng phương tiện vận chuyển, UBND huyện Sóc Sơn cần nghiên cứu, tăng tần suất tưới nước rửa đường, nhất là tại các tuyến đường xe vận chuyển thường xuyên qua lại như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, đường 18, tỉnh lộ 35… nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng từ nước rỉ rác đến cuộc sống của người dân.