Theo đó, từ năm 2011 đến nay huyện đã huy động được 4.181.363 triệu đồng để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung vào một số hạ tầng thiết yếu.
Cụ thể: Về giao thông, đã xây dựng mới 161km đường liên xã, liên thôn và ngõ xóm; cải tạo, nâng cấp 375km, 100% các tuyến đường đều đạt tiêu chuẩn về chiều rộng theo quy định của Bộ GTVT, tỷ lệ đường ngõ xóm được bê tông hóa đạt 98%, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 25%.
Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện đã cứng hóa được trên 170km kênh mương thủy lợi; Hệ thống điện cũng được quan tâm nâng cấp và cải tạo, từ năm 2011 đến nay đã đầu tư, nâng cấp 225 trạm biến áp và trên 510km đường điện trung thế, hạ thế phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dan với tổng mức đầu tư khoảng 670 tỷ đồng.
Đối với cơ sở vật chất văn hóa, nếu như năm 2010 cả 23/23 xã, thị trấn không có trung tâm văn hóa, thì đến thời điểm hiện tại có 3 xã có trung tâm văn hóa và 23/23 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.
Trong số 23 xã, thị trấn thì huyện đã có 21/23 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã Thạch Hòa là địa bàn của Khu công nghệ cao Hòa Lạc và thị trấn Liên Quan được quy hoạch xây dựng theo mô hình đô thị nên không đăng ký tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 100% các xã có nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, không có nhà tạm, dột nát, xuống cấp. Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, toàn huyện có 19 chợ dân sinh nằm trên địa bàn các xã, thị trấn, hàng năm đều thực hiện kế hoạch khai thác, đầu tư cải tạo hệ thống chợ đáp ứng với nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân.
“Nhìn chung, các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng cơ bản đều được kiểm soát chặt chẽ, quy mô từng dự án theo đúng mục tiêu, lĩnh vực được phê duyệt. Nên từ năm 2016 đến nay trên địa bàn huyện Thạch Thất không có nợ xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm ngân sách huyện và ngân sách xã” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho hay.