Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thạch Thất thiệt hại hơn 138ha hoa màu do mưa lũ

Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đê, kè, hồ, đập, công trình thuỷ lợi trên địa bàn ổn định, huyện Thạch Thất đang tích cực triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Thạch Thất, tính đến 17h ngày 2/8, lượng mưa đo được tại điểm đo UBND huyện từ ngày 01/8 đến 16h ngày 02/8 là 23mm. Mực nước sông Tích tại trạm thuỷ văn Kim Quan thời điểm 16h ngày 02/8 là 8.07m (trên báo động 2 là 47cm).

Hình ảnh người dân ở xóm Trại, thôn Phú Đa 2, xã Cần Kiệm bị ngập úng sau mấy ngày mưa. Ảnh: N.M.
Hình ảnh người dân ở xóm Trại, thôn Phú Đa 2, xã Cần Kiệm bị ngập úng sau mấy ngày mưa. Ảnh: N.M.

Tính đến 16h ngày 02/8, tổng diện tích còn bị ngập sâu là 21,4ha trong đó13,6ha lúa và 7,8ha rau màu.

Tổng diện tích ngập trắng không có khả năng phục hồi là 138,3ha (gồm: Lúa 93,5ha, rau màu 30,8ha, cây ăn quả 14ha) tăng 5ha cây ăn quả ở các xã Tân Xã, Phú Kim do nước rút nhưng cây bị chết; 1,9ha lúa bị mất trắng ở xã Chàng Sơn, các diện tích bị ngập sâu nước rút vẫn có khả năng phục hồi chỉ đạo các xã tỉa dặm, khôi phục sản xuất và tổng hợp báo cáo.

Hiện tại, Xí nghiệp thuỷ lợi Thạch Thất vẫn vận hành 6 trạm bơm tiêu úng đầu mối với tổng số 13 tổ máy bơm.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức lực lượng kiểm tra tình hình, các vị trí xung yếu đê điều, công trình thuỷ lợi, khơi thông dòng chảy để tiêu thoát úng cho các diện tích bị ngập úng.

Các xã có đê tổ chức lực lượng canh đê gác cống thường trực 24/24h để kiểm tra đê điều, hoành triệt cống qua đê, thường xuyên tuần tra canh gác để kịp thời phát hiện sự cố.

Các xã vùng núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Thạch Hòa, Thạch Xá, Cần Kiệm, Kim Quan triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập úng, khu vực có khả năng sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân đảm bảo an toàn.

Chiều 2/8, tình trạng ngập úng đã giảm do lượng nước ở sông Tích đã giảm xuống. Ảnh: N.M.
Chiều 2/8, tình trạng ngập úng đã giảm do lượng nước ở sông Tích đã giảm xuống. Ảnh: N.M.

Ghi nhận tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, mấy ngày mưa lớn, có 26 hộ với 106 nhân khẩu ở ngoài đê sông Tích bị ngập sân vườn và công trình phụ thuộc xóm Trại thôn Phú Đa 2 nhưng không phải di dân. Đến chiều 2/8, nước đã rút, chỉ còn ngập ở đường đi lại.

Ông Nguyễn Tuấn Chinh, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm cho biết, thực hiện Công điện số 11/CĐ-BCH ngày 22/7 của BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thạch Thất về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lũ. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã đã triển khai đến trưởng các tiểu ban, Bí thư chi bộ, trưởng phó thôn, trạm y tế, hiệu trưởng các nhà trường, hợp tác xã nông nghiệp, điểm trường điểm Cầu Vàng, Ngọc Bài, phân công trực 100%, sẵn sàng xử lý ngay từ đầu khi có tình huống xảy ra.

Những ngày qua, do mực nước sông Tích cao nên UBND xã, Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã đã chỉ đạo HTX nông nghiệp, BCH quân sự xây dựng lịch tuần đê kiểm tra các cống qua đê 24/24 với tần xuất 30 phút/lần. Kết quả đến nay, dê an toàn, diện tích ngập không thể khắc phục 04ha trong đó, diện tích ngoài đê 01ha, diện tích trong đê 03ha, ước thiệt hại khoảng 298 triệu đồng.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đê, kè, hồ, đập, công trình thuỷ lợi trên địa bàn ổn định, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đang tích cực triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Trước đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ký ban Quyết định số 7046-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Theo quyết định trên, Ban Chỉ huy gồm 18 thành viên. Trưởng ban Chỉ huy là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Ban Chỉ huy có nhiệm vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất; chủ động làm việc với các cơ quan trung ương và các tỉnh lân cận để thống nhất phương án trong công tác phòng, chống úng ngập, bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê ở vị trí xung yếu trên địa bàn 3 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Trưởng ban Chỉ huy có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Ban Chỉ huy tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.