Tình người trong bão lũ
Ngày 25/9/2024, ông Phạm Quang Điền, Tổ trưởng tổ 15, Khu dân cư cấp thoát nước xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có thư cảm ơn gửi đến lãnh đạo huyện Thanh Trì và xã Liên Ninh với nội dung: “Tổ dân cư chúng tôi có 61 hộ gia đình với gần 200 nhân khẩu. Trước khi bão số 3 tràn vào, chúng tôi được chính quyền tuyên truyền và yêu cầu chằng chống nhà cửa, kê cao tài sản bảo vệ con người. Tuy nhiên khi bão về, gió rất mạnh và mưa rất lớn; sau một đêm đã ngập trắng khu dân cư. Nước tràn vào nhà dân 20-30cm, có chỗ 70-80cm. Trước tình hình đó, chúng tôi đã báo cáo UBND xã và được sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư, Chủ tịch cùng các Phó Chủ tịch đến hiện trường, điều động 30 chiến sĩ lực lượng Quân sự huyện, xã di dời gần 100 người dân đến tránh trú tại Nhà văn hóa tổ dân phố và cung cấp giường chiếu, đảm bảo cho dân có chỗ ngủ nghỉ".
Xúc động trước tình cảm của người dân, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Nguyễn Đăng Đốc cho biết: Do có sự chỉ đạo kịp thời của UBND huyện Thanh Trì nên tại các thời điểm trước, trong và sau bão số 3, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã Liên Ninh luôn phân công trực chỉ huy 24/24h, từ ngày 06/9/2024 đến khi người dân ổn định cuộc sống. Ban chỉ huy liên tục đi kiểm tra, nắm bắt địa bàn trong các ngày mưa bão, khi có sự cố xảy ra, kịp thời có mặt hỗ trợ và trực tiếp tham gia cắt tỉa cây xanh, cây gãy đổ, bê vác cành cây, cảnh báo, mở rộng đường trước và sau bão số 3.
Ngay trong đêm 09/9, rạng sáng ngày 10/9, khi tình hình mưa to không giảm, Ban chỉ huy cùng lực lượng xung kích PCTT&TKCN trực tiếp phân công ứng trực, hỗ trợ giao thông, kê gác đồ đạc nhà dân tại các thôn bị úng ngập sâu; đồng thời di chuyển các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Tính đến 21h30 phút ngày 10/9/2024, trên địa bàn xã có 35 hộ gia đình, 96 nhân khẩu trong khu vực úng ngập cục bộ phải thực hiện di dời. Số hộ gia đình đặc biệt khó khăn, cô đơn trên địa bàn xã bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 là 23 hộ, 62 nhân khẩu. Trước tình hình trên, UBND xã đã kịp thời mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ tạm thời 50 thùng mỳ tôm, 05 thùng cháo ăn liền, 05 thùng sữa tươi tới các hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn trên địa bàn…
Tiếp đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn, hầu hết các trục đường trên địa bàn xã Liên Ninh đều ngập úng cục bộ; hơn 400 hộ dân bị ngập nhà cửa, trong đó có 55 hộ dân tại Khu tập thể cấp thoát nước bị ngập sâu, phải thực hiện di dời. Qua rà soát có 64 hộ khó khăn với 210 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp do bão, UBND-Uỷ ban MTTQ xã Liên Ninh đã kịp thời mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu, hỗ trợ tạm thời 66 thùng mỳ tôm, 21 thùng cháo ăn liền, 05 thùng sữa tươi. Đối với một số hộ sơ tán tại Khu tập thể cấp thoát nước, UBND xã đã chủ động hỗ trợ cung cấp suất ăn trưa, tối để đảm bảo sinh hoạt cho người dân. Đồng thời các ban ngành, đoàn thể của xã đã kịp thời hỗ trợ các trường hợp hội viên gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão.
Nhanh chóng ổn định đời sống người dân
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong, bão số 3 cùng hoàn lưu bão đã để lại những hệ quả phức tạp, đe dọa sự an toàn đê điều và tính mạng Nhân dân; nhiều vùng trũng rơi vào tình trạng ngập úng... Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kịp thời thực hiện tốt các biện pháp cấp bách, bố trí các lực lượng ứng trực kịp thời xử lý sự cố, hỗ trợ người dân trong mưa bão; bảo đảm an ninh an toàn... Nhờ đó, huyện cơ bản đã bảo đảm tốt các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân. Đến nay, công tác khắc phục sau cơn bão đã đạt được nhiều kết quả tích cực, không có thiệt hại về người.
Thống kê sơ bộ, bão đã làm gãy đổ 4.793 cây xanh; nhiều tuyến đường giao thông trục chính bị ngập úng; 182 mái tôn bị tốc mái; một số tuyến đê và hàng chục km kênh mương nội đồng bị sụt lún, sạt lở; 17 di tích lịch sử, 11 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Nhà văn hóa, 13 trường học bị tốc mái, hư hỏng, ngập úng; 38 điểm, khu dân cư bị ngập úng, đi lại khó khăn; trên 400 hộ gia đình với 634 người phải di dời tới nơi an toàn. Toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại 03 xã vùng bãi bị ngập úng; hàng nghìn ha cây trồng, diện tích thủy sản và hàng nghìn con gia súc, gia cầm phải di dời.
Đặc biệt sau bão, hoàn lưu bão gây mưa lớn đã khiến mực nước sông Hồng lên nhanh trên mức báo động 2, khiến 100 diện tích sản xuất nông nghiệp và 70% khu dân cư tại 03 xã vùng bãi tiếp tục ngập úng; UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ Nhân dân di chuyển đến nơi an toàn; lực lượng công an, quân sự và các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc thần tốc triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, đi từng ngõ, gõ từng nhà để hỗ trợ người dân, cung cấp các nhu yếu phẩm, không để xảy ra thiệt hại về người. Huy động lực lượng trên 500 người cùng nhiều phương tiện phục vụ công tác ứng cứu, hỗ trợ Nhân dân...
Sau bão lũ, trong 2 ngày 14 và 15/9/2024, toàn huyện đã huy động 3.200 lượt người cùng nhiều phương tiện máy móc tham gia tổng vệ sinh môi trường, đón học sinh trở lại học và ổn địng cuộc sống người dân. Toàn huyện cũng đã huy động được 220 triệu đồng; 1.981 thùng mỳ tôm, 2.484 thùng nước; 120kg gạo, 400 suất quà; 80 thùng ruốc để hỗ trợ tới các gia đình gặp khó khăn do bão và mưa lũ.
Đặc biệt, trong suốt thời gian bão lũ hoành hành, lãnh đạo huyện Thanh Trì đã luôn thường trực trên mọi mặt công tác, trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ; triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ… Những việc làm không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm, vì Đảng vì dân mà còn thắm đượm tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào trong văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam và Nhân dân trên địa bàn huyện Thanh Trì.