Huyện Thường Tín hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa mùa bị ngập

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã để lại hậu quả lớn đối với đời sống người dân, đặc biệt là ngành nông nghiệp của huyện Thường Tín. Nhiều diện tích lúa, rau màu sắp cho thu hoạch đã bị gãy đỗ, nhấn chìm sâu trong nước nhiều ngày nay…

Các lực lượng huyện Thường Tín hỗ trợ người dân xã Nghiêm Xuyên thu hoạch lúa mùa
Các lực lượng huyện Thường Tín hỗ trợ người dân xã Nghiêm Xuyên thu hoạch lúa mùa

Giúp nhau vượt qua khó khăn

Những ngày này, lực lượng đoàn thanh niên huyện Thường Tín là mũi xung kích cùng chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể đã xuống đồng hỗ trợ bà con nông dân khắc phục diện tích bị ngập úng nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Diện tích hơn 2 mẫu lúa mùa của gia đình bà Hoàng Thị Lan, xã Nghiêm Xuyên đang trong thời kỳ chắc hạt bị chìm trong nước đã mấy ngày nay do hậu quả cơn bão số 3 và hoàn lưu bão vừa qua, tiếc công sức gieo cấy, gia đình bà Lan đã nhờ anh em họ hàng tham gia hỗ trợ thu hoạch. Cùng với đó là sự hỗ trợ lực lượng Đoàn thanh niên từ các xã, thị trấn và lực lượng  của xã Nghiêm Xuyên, xuống đồng thu hoạch lúa non với mong muốn vớt vát được phần nào nào hay phần đó để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc gia cầm.

Bà Hoàng Thị Lan cho biết, mưa bão đã nhấn chìm hai mẫu lúa mùa đang độ chắc hạt của gia đình. Cũng nhờ có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn huyện cùng chính quyền địa phương đã giúp đỡ gia đình bà và người dân thu hoạch lúa để giảm thiểu thiệt hại.

Bà Lan thu hoạch những bông lúa còn sót lại sau bão lũ số 3
Bà Lan thu hoạch những bông lúa còn sót lại sau bão lũ số 3

Cùng bị thiệt hại do mưa bão số 3, toàn bộ diện tích lúa mùa của gia đình bà Trần Thị Minh đã bị chìm sâu trong nước, gia đình bà Minh đang nhờ người thân và sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể xã Nghiêm Xuyên cố gắng nỗ lực vớt vát số thóc non còn lại.

Bà Trần Thị Minh ngậm ngùi bộc bạch: “do thiên tai lũ lụt khắc nghiệt đã gây ra, chúng tôi bị mất mùa thiệt hại nhiều quá nên cũng mong được các cấp, ngành quan tâm để Nhân dân chúng tôi khắc phục khó khăn, giúp đỡ, hỗ trợ để chúng tôi có lương thực sinh hoạt cho những ngày sắp tới”.

Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên Nguyễn Thị Sanh cho biết, vụ mùa năm nay xã Nghiêm Xuyên triển khai gieo cấy 385ha. Với đặc điểm của xã chủ yếu là những xứ đồng trũng thấp, nên sau hoàn lưu bão, mưa lớn đã nhấn chìm toàn bộ hơn 200ha lúa của 3 thôn sắp đến ngày thu hoạch.

Hiện nay, người dân đã xuống đồng cùng với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng công an, quân sự thu hoạch mới được khoảng 90% diện tích lúa non, nhiều diện tích lúa có nguy cơ mất trắng. Thiệt hại do mưa bão đối với nghành nông nghiệp của xã Nghiêm Xuyên là rất lớn.

Cán bộ huyện Thường Tín chung tay hỗ trợ người dân thu hoạch lúa mùa sau bão lũ số 3
Cán bộ huyện Thường Tín chung tay hỗ trợ người dân thu hoạch lúa mùa sau bão lũ số 3

Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên Nguyễn Thị Sanh chia sẻ, hiện trạng lúa còn non, mà nước thì còn ngập sâu, có chỗ nước còn ngập ngang đầu. bà con nông dân đi mò lúa để thu hoạch mấy ngày nay, cũng chỉ thu được rất ít thóc, năng suất năm nay thất bại, còn về thủy sản bị mất trắng, do ngập nước hết.

Tập trung khắc phục hậu quả

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh thông tin, tính đến ngày 15/9 toàn huyện có trên 3.700ha lúa mùa bị ảnh hưởng do bão lũ, trong đó diện tích lúa và rau màu bị ngập trong nước là 2.144ha chủ yếu tập trung ở các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tân Minh, Hà Hồi…

Trên địa bàn huyện còn có 1.040ha rau màu, 83ha hoa và nhiều cây trồng bị dập nát, gãy đổ cùng rất nhiều cây ăn quả bị ngập nước; 910ha thuỷ sản bị tràn bờ; gia cầm chết, thất lạc khoảng 57.261 con; hàng loạt chuồng trại chăn nuôi bị ngập úng, hư hỏng.

Đến nay, lãnh đạo huyện Thường Tín đang tập trung quyết liệt chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Nhanh chóng khắc phục hậu quả, để sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt và sản xuất cho Nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ và Nhân dân huyện Thường Tín tập trung khắc phục hậu quả bão số 3
Cán bộ và Nhân dân huyện Thường Tín tập trung khắc phục hậu quả bão số 3

Thực hiện công điện số 15/CĐ-UBND ngày 11/9/2024 của UBND  Thành phố Hà Nội về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, đến nay UBND huyện Thường Tín đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ.

Cụ thể, UBND các xã ven sông Nhuệ, sông Hồng tiếp tục bố trí lực lượng theo dõi diễn biến mực nước các sông và tại các vị trí sụt, sạt bờ sông trên địa bàn. UBND các xã khẩn trương rà soát, tổng hợp thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão số 3 gây ra trên địa bàn.

Tập trung tổ chức chặt, di dời các cây xanh bị gãy đổ ảnh hưởng đến giao thông. Quá trình thực hiện ưu tiên việc trồng lại, tái sử dụng cây xanh bị đổ tránh lãng phí. Huy động các lực lượng hỗ trợ Nhân dân khắc phục các thiệt hại, thu hoạch lúa mùa bị ngập nước trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, cùng với đó, UBND các xã ven sông gồm: Tự Nhiên, Hồng Vân, Ninh Sở… huy động trên 3.300 cán bộ, người dân và các lực lượng hỗ trợ người dân đã di dời trong công tác vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Nhiều thửa ruộng còn ngập sâu đang gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Thường Tín
Nhiều thửa ruộng còn ngập sâu đang gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Thường Tín

UBND các xã: Tân Minh, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tiền Phong…tiếp tục bố trí lực lượng theo dõi diễn biến tại các vị trí sạt lở trên tuyến đê sông Nhuệ, đồng thời hạn chế tải trọng các phương tiện di chuyển trên đê đảm bảo an toàn công trình.

Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện chủ trì, phối hợp với UBND các xã ven sông Hồng rà soát, xét duyệt hỗ trợ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ.

Phòng Y tế cùng Phòng TNMT và UBND các xã, thị trấn tập trung vệ sinh môi trường vùng ngập lụt, tránh để phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ. Xí nghiệp thuỷ lợi Hồng Vân khẩn trương vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ việc tiêu úng trên địa bàn theo đúng tinh thần chỉ đạo.

Đồng thời theo dõi sát diễn biến tại cống qua đê Trạm bơm Hồng Vân vị trí K88+100 đê Hữu Hồng, kịp thời báo cáo các diễn biến về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện. Công ty Điện lực huyện tập trung khắc phục sự cố về điện, kịp thời cung cấp nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng phục vụ sản xuất, dân sinh trên địa bàn.