Huyện Thường Tín tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và nghệ nhân làng nghề 

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/10, Huyện Thường Tín (TP Hà Nội) tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp và nghệ nhân làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Quảng cảnh buổi đối thoại giữa lãnh đạo huyện Thường Tín và doanh nghiệp
Quảng cảnh buổi đối thoại giữa lãnh đạo huyện Thường Tín và doanh nghiệp

Chủ trì buổi đối thoại có Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh; Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ; Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành TP Hà Nội và các doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề tiêu biểu trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có gần 2.200 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập hoạt động, trong đó chiếm đa số là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, có quy mô nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 23.000 lao động.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh phát biểu tại buổi đối thoại
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh phát biểu tại buổi đối thoại

Trong đó, đối với doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp đã thu hút gần 10.000 lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn huyện. 9 tháng đầu năm 2022, khối doanh nghiệp trên địa bàn đã đóng góp vào tổng thu ngân sách địa phương hơn 135 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng các phong trào của huyện như phong trào "Toàn dân đoàn kết chung tay xây dựng NTM", đóng góp, chung sức cùng huyện trong công tác phòng chống dịch, chương trình giảm nghèo...Năm 2021 - 2022, có 138 doanh nghiệp tham gia ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 huyện với số tiền gần 4 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh phát biểu tại buổi đối thoại
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh phát biểu tại buổi đối thoại

Về tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề, Thường Tín hiện có 126 làng có nghề, trong đó trong đó có 1 làng nghề tiêu biểu cấp TP và 48 làng nghề truyền thống. Trong các làng nghề được công nhận có khoảng 13.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống, với số lao động tham gia làm nghề khoảng là 31.000 lao động.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp, nghệ nhân cùng trao đổi với lãnh đạo huyện, trong đó nêu rõ một số vấn đề, như: Đề nghị được giải quyết cấp đất thời hạn lâu dài để sản xuất rau sạch. Tạo điều kiện mặt bằng đất đai để phát triển Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp. Hội doanh nghiệp huyện và một số nghệ nhân mong muốn huyện nên xây dựng các chuỗi du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề để quảng bá sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

Đại diện nữ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín phát biểu ý kiến
Đại diện nữ doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín phát biểu ý kiến

Đối với các khu vực làng nghề truyền thống hiện nay vấn đề bãi tập kết nguyên vật liệu còn nhiều khó khăn. Ảnh hưởng đến mở rộng sản xuất kinh doanh tại các làng nghề truyền thống, cũng như kho bãi lưu trữ, bảo quản sản phẩm. Hiện nay nguồn lực lao động tại chỗ đa số là tận dụng những người trình độ học vấn thấp làm việc theo thói quen, thậm chí tay nghề cao.

Do đó, hàng năm, nên mở thêm các lớp đào tạo và nhân cấy nghề, đặc biệt là việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh và các làng nghề truyền thống. Cùng với đó, huyện Thường Tín và TP Hà Nội cần có chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định liên quan đến phát triển các cụm công nghiệp.

Đại diện Hội doanh nghiệp huyện Thường Tín phát biểu ý kiến
Đại diện Hội doanh nghiệp huyện Thường Tín phát biểu ý kiến

Xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách ưu đãi về vốn, về đất đai, lao động cũng như thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại trong các cụm công nghiệp. Đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ từ đường xá, cấp điện, xử lý chất thải, xử lý môi trường. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về cụm công nghiệp một cách tinh gọn, hiệu quả, rõ ràng, tránh bị chồng chéo khi thực hiện kiểm tra, giám sát.

Một số doanh nghiệp đề nghị UBND huyện tham mưu cho TP có các giải pháp tháo gỡ thủ tục hành chính, thúc đẩy việc đầu tư phát triển, mở rộng các cụm công nghiệp, phù hợp các tiêu chí của TP nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp...

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh trao giấy khen cho các doanh nghiệp
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh trao giấy khen cho các doanh nghiệp

Các nội dung nêu tại hội nghị, đã được Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh trả lời cụ thể, làm rõ một số vấn đề khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp, các hiệp hội làng nghề đang gặp phải với mong muốn doanh nghiệp trước mắt hãy chia sẻ những khó khăn này với TP và huyện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định: Việc tổ chức hội nghị đối thoại là dịp để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền lắng nghe ý kiến về những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và nghệ nhân để cùng tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, các cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ trao giấy khen cho các doanh nghiệp
Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ trao giấy khen cho các doanh nghiệp

Đồng thời, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề nghị: "UBND huyện, các phòng, ban, đơn vị chuyên môn cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết các kiến nghị hợp lý, chính đáng liên quan về đề nghị, kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần