Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Ứng Hòa: các chỉ tiêu kinh tế-xã hội cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/10, đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn làm việc với huyện Ứng Hòa về thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND TP Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết: với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và Nhân dân, những năm qua, nền kinh tế huyện được vẫn duy trì mức tăng trưởng khá; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội TP giao cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thịnh An
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thịnh An

Giai đoạn 2021 - 2025 TP giao cho huyện Ứng Hòa 17 chỉ tiêu (không bao gồm chỉ tiêu phát triển kinh tế và 2 chỉ tiêu về tỷ lệ lao động tham gia BHXH thất nghiệp và BHXH bắt buộc). Kết quả từ năm 2021 đến năm 2022 huyện đã thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu; từ năm 2023 đến năm 2024 huyện đã thực hiện đạt, vượt 16/17 chỉ tiêu của năm 2023 và 16/17 chỉ tiêu của năm 2024.

Thu ngân sách hàng năm đều vượt dự toán được giao; tổng thu ngân sách trong 5 năm đạt 2.337,251 tỷ đồng, tăng bình quân 6,04%/năm (mục tiêu Đại hội tăng bình quân 5% một năm trở lên). Chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện trong giai đoạn là 16.061 tỷ đồng, tăng bình quân 10,37%/năm.

Huyện đã thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, ưu tiên chi đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, đúng chương trình mục tiêu của TP Hà Nội và các chương trình, đề án của huyện, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của
địa phương.

Đồng thời, huyện Ứng Hòa đã xây dựng kế hoạch 5 năm của huyện với 20 chỉ tiêu. Tiến độ thực hiện dự kiến vượt và đạt 18/20 chỉ tiêu. Kết quả nổi bật qua 4 năm thực hiện thể hiện trên các mặt: số xã đạt nông thôn mới nâng cao, đạt nông thôn mới kiểu mẫu vượt chỉ tiêu đề ra (năm 2022 có 20 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 10 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu).

Tính đến nay, toàn huyện đã có 28/28 xã được UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên hằng năm được kiểm soát đạt 0,47%, cao hơn so với kế hoạch đề ra; tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 được quan tâm, cải thiện, đạt 85% vượt so với kế hoạch đề ra.

Công tác quy hoạch, quản lý đô thị và khu vực nông thôn, trật tự xây dựng văn minh đô thị được quan tâm thực hiện. Đã hoàn thành việc xây dựng các quy hoạch phát triển; lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch ngành, quy hoạch xã, thị trấn... Hoàn thành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới và xác định ranh giới, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn ở 28/28 xã; quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm thị trấn Vân Đình…

Phong trào “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP) có những kết quả tích cực. Đến nay, huyện có tổng số sản phẩm được chứng nhận OCOP lên 70 sản phẩm đánh giá đạt từ 3 sao. Phấn đấu năm 2024 có thêm 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; tổng mô hình chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap là 7 mô hình.

Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nông dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, dự kiến thu nhập bình quân đầu người năm 2025 của huyện đạt trên 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ dân thị trấn được cung cấp nước sạch đạt 100% và phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn được tiếp cận nước sạch đạt 100%.

Huyện đã hình thành và phát triển các điểm du lịch được TP công nhận như điểm du lịch thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu; điểm du lịch đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang; điểm du lịch sinh thái làng Chòng, xã Trầm Lộng; điểm du lịch làng nghề may áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm và trải nghiệm du lịch võ học môn phái võ thuần Việt Thiên Môn Đạo thôn Dư Xá Thượng, xã Hòa Nam...

Tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch

Tại buổi giám sát, thành viên đoàn đã trao đổi, đề nghị huyện Ứng Hòa bổ sung làm rõ thêm về công tác phát triển hạ tầng đô thị; việc triển khai các nhiệm vụ quy hoạch được giao; kết quả công tác đấu giá quyển sử dụng đất; công tác cải cách hành chính, hỗ trợ DN và người dân trên địa bàn; kết quả thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội tại huyện; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và an ninh trật tự tại địa phương…

Nhất trí với các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân như huyện đã nêu, đoàn giám sát đề nghị huyện Ứng Hòa làm rõ nội dung về phát triển hạ tầng đô thị, văn hóa, xã hội, công tác bảo đảm an sinh xã hội; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác cải các hành chính, hỗ trợ DN và người dân trên địa bàn; kết quả thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội tại huyện; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và an ninh trật tự tại địa phương…

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị của huyện Ứng Hòa trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là số xã đạt nông thôn mới nâng cao, đạt nông thôn mới kiểu mẫu vượt chỉ tiêu đề ra; tỉ lệ lao động qua đào tạo; công tác quy hoạch, quản lý đô thị và khu vực nông thôn, trật tự xây dựng văn minh đô thị...

Chia sẻ với một số khó khăn của huyện về tiến độ giải ngân đầu tư công chậm, chỉ tiêu xã và thị trấn đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế; chỉ tiêu tỉ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước sạch, chỉ tiêu về đạt chuẩn quốc gia của trường THPT… Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện Ứng Hòa cần rà soát, làm rõ nguyên nhân; đồng thời có các giải pháp triển khai tích cực hơn trong thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Đặc biệt, huyện cần chú trọng công tác quản lý Nhà nước về môi trường; quan tâm tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch trong Nhân dân. Cùng với đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất tăng cường quản lý đất đai và trật tự xây dựng; bảo đảm các quy hoạch đã phê duyệt được thực hiện nghiêm túc.

Tập trung quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cho hạ tầng kỹ thuật giao thông, hệ thống, cấp thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng. Ngoài ra, huyện cũng cần rà soát các quy hoạch của TP trên địa bàn và mục tiêu phát triển giai đoạn 2026 - 2030 để lập phương án đầu tư công cho phù hợp.

 

Theo phân cấp tại Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 21/9/2022 của HĐND TP Hà Nội, có 5 dự án trường THPT trên địa bàn được phân cấp quản lý về cấp huyện, do đó huyện Ứng Hòa đề nghị TP hỗ trợ 100% chi phí của các dự án trường THPT trên địa bàn huyện; hỗ trợ cho các trường học trên địa bàn huyện kinh phí mua sắm trang thiết bị để bảo đảm đủ điều kiện công nhận lại và công nhận mới trường chuẩn quốc gia.

Đồng thời, huyện đề nghị TP tiếp tục quan tâm, bổ sung các dự án đầu tư, công trình hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội trên địa bàn huyện vào danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 của TP...

Đồng tình với các kiến nghị của huyện, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên cho biết, sau đợt giám sát, HĐND TP sẽ xem xét, đánh giá về giao chỉ tiêu, từ đó căn cứ cho việc giao chỉ tiêu ở nhiệm kỳ tới 2025 - 2030. Trong đó, quan tâm đến chỉ tiêu công tác thực hiện quy hoạch, chuẩn hóa mạng lưới y tế, giáo dục…