Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hy vọng bảo tồn nghệ thuật cổ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiếu chèo cổ vừa được các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam phục dựng tại sân khấu Nhà hát Kim Mã (71 Kim Mã, Hà Nội) đã “đỏ đèn” vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần mở ra hy vọng sẽ bảo tồn, phát huy giá trị nguyên gốc của chèo cổ nói riêng nghệ thuật truyền thống nói chung.

“Đặc sản” trò dẫn

Đáp ứng nhu cầu của du khách đến Hà Nội để thưởng thức nghệ thuật thuần Việt dường như chỉ có Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. Không phải ngẫu nhiên mà người ta truyền tai nhau câu nói về du lịch Hà thành "cơm tối, rối nước". Phần vì không có một điểm đến để duy trì, phần vì sự cách tân của nghệ thuật truyền thống không làm người thưởng thức vừa lòng.

Với mong ước giản dị là góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đã hợp sức tạo nên một điểm đến cho người yêu chèo cổ. Và sân khấu Nhà hát Kim Mã đã được chỉnh sửa thành mô hình chiếu chèo sân đình thuở xưa: Mành tre thay cánh gà, sân khấu ngay sát người xem, khán phòng trải chiếu hoa với bàn tre nhỏ có sẵn nước chè, kẹo lạc…

Hy vọng bảo tồn nghệ thuật cổ - Ảnh 1

Chiếu chèo cổ được phục dựng đã thu hút nhiều khán giả yêu nghệ thuật dân gian

NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: "Khung cảnh chiếu chèo rất đơn giản, mộc mạc để người ta cảm thấy đúng là về với chiếu chèo xưa. Cùng với đó, chúng tôi không sử dụng MC dẫn chuyện theo kiểu lai căng mới bây giờ mà phải là dẫn trò theo đúng lối cổ. Trong những chương trình của chúng tôi có những chương trình là cụ trùm trò dẫn chuyện, xâu chuỗi các tiết mục lại với nhau. Chương trình thứ hai là một đôi hề chèo dẫn chuyện đúng theo phong cách của chiếu chèo... Chúng tôi đang duy trì 5 chương trình tại sân khấu nhỏ. Nhưng quan trọng là khi biểu diễn các nghệ sĩ phải chau chuốt từng câu, chữ để thể hiện sự tinh tế của chèo".

Hy vọng

Điều đáng mừng là chiếu chèo cổ đông ngay từ buổi ra mắt, khán phòng gần như lúc nào cũng chật kín khán giả. Ông Lê Kiên Trung (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) bày tỏ: "Lâu lắm rồi tôi mới lại được xem trò dẫn theo đúng văn biền ngẫu của sân khấu chèo truyền thống. Hy vọng mô hình này được nhân rộng để những người yêu chèo được thưởng thức sự tinh tế của chèo cổ".

Đúng là sau mấy tuần tổ chức, ngày càng có nhiều khán giả Hà thành đến với chiếu chèo cổ. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ đang là trở ngại ngăn cách nghệ thuật này với du khách nước ngoài. Vì thế, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đang làm tiếp "động tác hội nhập" là dịch nội dung vở chèo một cách ngắn gọn sang tiếng Anh. Đồng thời, chuyển ngữ cả những lời giới thiệu về tinh hoa của nghệ thuật chèo để quảng bá cho khách nước ngoài. NSƯT Thanh Ngoan cho biết: Bất đồng ngôn ngữ là một rào cản. Tuy nhiên, sân khấu chèo còn rất nhiều điều có thể giới thiệu. Các nghệ sĩ có thể sử dụng thế mạnh chuyển tải ngôn ngữ bằng âm nhạc của chèo để giới thiệu những tinh hoa nhất cho khán giả. 

Còn nhớ một dạo, chiếu chèo sân đình đã được mở tại đền Ngọc Sơn, nhưng cũng chỉ được một thời gian. Giờ chiếu chèo cổ lại được phục dựng trong Nhà hát Kim Mã. Tín hiệu ban đầu là khá khả quan nhưng liệu số tiền bán vé ít ỏi có đủ sức giúp Nhà hát duy trì được chiếu chèo này? Điều mà người yêu nghệ thuật mong đợi là mô hình này không chung số phận với chiếu chèo cổ trước cũng như không bị biến tấu quá đà vì những cải biên không phù hợp.