1. Một năm trước, SHB.ĐN thẳng tiến tới ngôi vô địch V.League rồi giành cả Cúp Quốc gia (Cúp QG) nữa dù khoảng 8 tháng trước họ chẳng đưa ra tuyên bố nào đại loại như: “Chúng tôi sẽ vô địch”. Mà đúng là nếu SHB.ĐN có nói vậy thì cũng chẳng mấy người tin, bởi đoàn quân của Lê Huỳnh Đức gồm quá nhiều cầu thủ trẻ vô danh, chẳng được ai để ý.
Cũng 1 năm trước, những CS.ĐT, SLNA, QK4 lặng lẽ vào giải với sự miệt mài chắt chiu tìm kiếm từng điểm. Ở họ, hầu như không xuất hiện bất kỳ tuyên bố “đao to búa lớn”nào. Cùng lắm cũng chỉ là “cố gắng trụ hạng”. Thế nên khi họ cứ lầm lũi tiến. Để rồi, kẻ đoạt HCĐ (SLNA), người về đích thứ năm (CS.ĐT) còn QK4 trụ hạng thành công, người ta mới chợt nhận ra rằng kẻ nói ít không hẳn đã là kẻ chỉ biết làm ít.
2. Cái cách SHB.ĐN, CS.ĐT, SLNA và QK4 đã đi qua V.League 2009 khác hẳn với cách HAGL, Thể Công, T&T HN hay XM.HP đã “lết” qua mùa giải ấy. HAGL tuyên bố rất mạnh (98% sẽ vô địch - và thực tế, họ cũng có lý do để tuyên bố như thế khi tuyển được toàn quân “xịn”), Thể Công, T&T HN và XM.HP cũng không giấu diếm tham vọng lớn. Nhưng rút cục, thứ họ nhận về chỉ là những thất bại, hoặc cùng lắm là thành công một cách hạn chế.
Tất nhiên, có tham vọng và dám công khai tham vọng thì chẳng có gì là xấu cả. Chỉ có điều, khi đã thẳng thắn thừa nhận tham vọng đó thì phải đủ bản lĩnh để theo đuổi và quyết thực hiện tới cùng. Còn nếu không, bi kịch có thể xuất hiện khi bị “cả làng” nhận diện là “chơi trội”. Đấy là một phần lý do khiến những đội bóng kể trên thất bại ở V.League 2009. Như HAGL chẳng hạn, đối thủ nào gặp họ cũng quyết đá 100% khả năng vì biết HAGL rất mạnh. Đấy chính là cái khó của những kẻ dám công khai tham vọng của chính mình.
3. Nhìn vào SHB.ĐN, nhìn vào HAGL, phải chăng đó cũng là lý do mùa này các đội đang tuân thủ nguyên tắc “im lặng là vàng”. Có lẽ vậy. Bởi họ đều mong muốn hai chữ - bình yên. Bình yên để tập trung vào chuyên môn. Bình yên để cứ lặng lẽ tiến, lặng lẽ toan tính chứ không trở thành tâm điểm “hứng” mọi tập trung, chú ý của mọi đối thủ.
Suy cho cùng, đấy cũng là một tính toán có lý. Bởi càng ít bị quan tâm thì các cầu thủ càng ít bị áp lực. Chưa kể, nếu tự xác định mình kém thì người ta sẽ dễ có động lực cố gắng, nỗ lực hơn. Mà trong bóng đá, tinh thần đôi khi góp tới hàng chục phần trăm vào chuyện Thành-Bại.