Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

IMF: Kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong dự báo về "Triển vọng kinh tế thế giới" mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định, bất chấp những nguy cơ mới đe dọa tiến trình phục hồi sau khủng hoảng, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục giành được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.

KTĐT - Trong dự báo về "Triển vọng kinh tế thế giới" mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định, bất chấp những nguy cơ mới đe dọa tiến trình phục hồi sau khủng hoảng, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục giành được động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.

Theođó, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trung bình với tốc độ 4,5% trong hai năm 2011, 2012. Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế của IMF Olivier Blanchard lại cho rằng, trong 2 năm tới, dự báo các nước tiên tiến chỉ tăng 2,5%/năm, còn các nước mới trỗi dậy và đang phát triển thì tăng 6,5%/năm.


Cũng theo IMF, triển vọng kinh tế tại các nước mới nổi, đang phát triển trong năm 2011 - 2012 là đầy hứa hẹn do xuất khẩu đã phục hồi và tiêu dùng nội địa đã tăng. Đặc biệt, các nền kinh tế khu vực Tiểu Sahara châu Phi đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững. IMF dự báo, Trung Quốc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới với mức tăng lần lượt là 9,6% và 9,5% trong hai năm 2011 và 2012. Cũng trong báo cáo này, IMF đánh giá khả quan về triển vọng của 5 nước thuộc khu vực ASEAN là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. Theo đó, các quốc gia này sẽ tăng trưởng 5,4% và 5,7% trong năm 2011 và 2012. Trong đó, tăng trưởng của Việt Nam trong 2 năm 2011, 2012 lần lượt là 6,3% và 6,8%.


Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bất chấp nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm cứu trợ Hy Lạp, Ireland và mới nhất là Bồ Đào Nha, thị trường vẫn lo ngại về triển vọng nợ công của các nước là mắt xích yếu như Tây Ban Nha, Italia,... Với thực tế đó, IMF dự báo Eurozone sẽ tăng trưởng trung bình là 1,6% và 1,8% trong năm 2011, 2012. Trong đó, Đức vẫn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực với mức tăng 2,5% và 2,1%. Về Nhật Bản, IMF cho rằng thảm hoạ động đất, sóng thần hôm 11/3 tuy gây tổn thất lớn về người nhưng không có tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. IMF cũng dự báo, GDP của Nhật sẽ tăng trưởng lần lượt 1,4% và 2,1% trong năm 2011, 2012 - mức sụt giảm khá lớn so với mức tăng 3,9% của năm 2010.


IMF cũng dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng lên mức 10,8% GDP trong năm nay so với 10,6% của năm 2010. Như vậy, Mỹ sẽ khó đáp ứng cam kết với G20 về việc giảm thâm hụt xuống còn một nửa từ năm 2010 đến 2013. IMF cho rằng, Mỹ phải nhanh chóng khống chế tình trạng thâm hụt ngân sách bằng "một chiến lược khả thi" để giảm bớt việc phải đi vay quá nhiều, gây bất ổn cho thị trường tài chính toàn cầu. Theo đó, Chính phủ Mỹ cần kiểm soát chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội, cải tổ hệ thống thuế để giảm mạnh thâm hụt ngân sách.