The Stuff ngày 28/6 đưa tin, cảnh sát Indonesia cho biết, ít nhất 15 đối tượng đã bị bắt vì tình nghi có liên quan đến việc sản xuất và phân phối vaccine giả. Trước đó, trong một đợt kiểm tra tại thủ đô Jakarta, khu vực Banten và tỉnh Tây Java lân cận từ ngày 16/6, cảnh sát đã phát hiện các lô vacine giả ngừa bệnh sởi, bại liệt, viêm gan B và ngừa nọc độc rắn.
Người đứng đầu cơ quan điều tra tội phạm hình sự Indonesia, ông Agung Setya cho biết: Trong số 15 người vừa bị bắt giữ, có 5 phụ trách việc sản xuất vaccine giả, những người còn lại chịu trách nhiệm thu mua chai đựng vaccine đã qua sử dụng từ các bệnh viện, sau đó dán nhãn lại. Nhóm này cũng đảm nhận luôn cả việc phân phối số vaccine giả này cho các cửa hàng và các công ty dược phẩm nhỏ. Việc phát hiện vụ việc sản xuất và phân phối vacine giả đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mà những trẻ em được chủng ngừa bằng loại vaccine giả này gây ra. Hiện vẫn chưa biết có bao nhiêu trẻ em bị chủng ngừa bằng vaccine giả và hậu quả mà nó có thể gây ra. Vaccine giả được cho là đã xuất hiện trên thị trường Indonesia từ 13 năm trước. Giới chức Y tế đang kêu gọi các phụ huynh nghi ngờ con mình bị tiêm vaccine giả tiến hành tiêm vaccine lại ở các cơ sở y tế do nhà nước quản lý. Bộ Y tế Indonesia khẳng định, việc tiêm chủng cho trẻ dưới 2 tuổi và trẻ trong độ tuổi học cấp một theo chương trình quốc gia là an toàn, đồng thời cho biết, số lượng vaccine giả lưu hành trên thị trường chỉ chiếm chưa đến 1%. Chủ tịch Liên hiệp phòng, chống AIDS Aditya Wardhana tại Indonesia cho biết, trước nhu cầu được tiếp cận các loại thuốc tiên tiến của người dân Indonesia, chính phủ nước này cần xem xét chính sách nhằm tạo điều giúp người dân được tiếp cận vaccine chất lượng tốt. “Nếu các loại vaccine được bán với giá rẻ trên thị trường, điều này có thể gây ảnh hưởng tới quá trình điều chế và sản xuất của các DN thuộc ngành công nghiệp chế xuất dược”, ông nói.