Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Indonesia, giai đoạn tăng trưởng mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 20/10, tại tòa nhà Hội đồng Hiệp thương nhân dân (MPR) ở thủ đô Jakarta của Indonesia, diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai (2009-2014) của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

KTĐT - Sáng 20/10, tại tòa nhà Hội đồng Hiệp thương nhân dân (MPR) ở thủ đô Jakarta của Indonesia, diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai (2009-2014) của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.

Ông Yudhoyono chiến thắng với việc giành hơn 61% phiếu bầu của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lần thứ hai ở Indonesia vào ngày 8/7 vừa qua. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Yudhoyono sẽ công bố nội các mới mang tên "Nội các thống nhất" II với 34 thành viên, trong đó bao gồm một số nhà kỹ trị và phần lớn là người của sáu đảng tham gia chính phủ liên minh của ông, gồm: Đảng Dân chủ, Đảng Golkar, Đảng Công lý Thịnh vượng, Đảng Chỉ thị dân tộc, Đảng Thức tỉnh Dân tộc và Đảng Phát triển thống nhất. Sáu đảng này chiếm 421 ghế, tức 75,17% tổng số ghế trong Quốc hội, đảm bảo một sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ và ổn định đối với chính phủ của Tổng thống Yudhoyono trong 5 năm tới, tạo thuận lợi cho việc thực thi những chính sách đưa Indonesia vào giai đoạn phát triển với tham vọng biến Indonesia thành một quốc gia hiện đại vào năm 2025.

Tổng thống Yudhoyono sinh ngày 9/9/1949, trong một gia đình trung lưu. Sau khi tốt nghiệp Học viện quân sự Indonesia năm 1973, ông từng du học tại nhiều nước, trong đó có Mỹ, đạt học vị thạc sỹ và tiến sỹ trong các ngành quản lý, kinh tế nông nghiệp, luật và khoa học chính trị. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và chính quyền dưới thời Tổng thống Habibi và Tổng thống Megawati Soekarnoputri trước khi được bầu làm tổng thống thứ sáu của Indonesia vào năm 2004.

Lên nắm quyền qua cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên năm 2004, dưới sự lãnh đạo của ông và chính phủ liên minh, trong 5 qua, Inđônêxia đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều mặt. Chính trị nội bộ ngày càng ổn định. An sinh xã hội được cải thiện. Kinh tế giữ nhịp độ phát triển khá liên tục, lần lượt trong các năm 2005, 2006, 2007, 2008 là 5,6%, 5,5%, 6,3% và 6,1%. Indonesia được đánh giá là thể chế kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện nay và là nền kinh tế trong nhóm G-20 sớm ra khỏi cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhiều chuyên gia nhận định, từ năm 2011, kinh tế Indonesia có thể đạt mức tăng trưởng lên đến 7%. Đây chính là cơ hội để nước này có thể trở thành thành viên thứ năm của nhóm các nước mới nổi (BRIC), sau Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
 
Trong nhiệm kỳ qua, Tổng thống Yudhoyono đã để lại dấu ấn với chính sách cải cách kinh tế và hành chính. Ông được coi là nhà lãnh đạo biết phát huy nội lực đất nước và có chính sách quản lý kinh tế vĩ mô hợp lý. Khả năng điều hành tốt cùng với uy tín cao trên chính trường và xã hội đã giúp ông thu hút sự ủng hộ của cử tri, tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai liên tiếp với hơn 62% phiếu bầu.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, tân tổng thống cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó tham nhũng là thách thức lớn nhất. Chính phủ mới của ông Yudhoyono cần phải mạnh tay hơn nếu muốn giải quyết vấn nạn này. Đồng thời, chính phủ của ông cũng phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa. 
 
Muốn phát triển kinh tế tốt hơn, chính phủ mới cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ về luật lao động, tạo thuận lợi cho chủ lao động có thể dễ dàng thuê hoặc sa thải người lao động, vì hiện tại đa số người lao động ở nước này là lao động phổ thông, không có tay nghề cao, ít người đáp ứng được những công việc đòi hỏi kỹ năng cao, nhưng rất hay biểu tình khi bị sa thải.
 
Cơ sở hạ tầng yếu kém ở hầu khắp các vùng nông thôn, các cảng hàng không, cảng biển đều nhếch nhác, đường sá gồ ghề, vỉa hè ở các thành phố thì vỡ nát, hệ thống thoát nước rất kém nên khi mưa to là gây lụt lội, thường xuyên bị cắt điện, các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu hỏa, phà... phần lớn cũ nát và không đảm bảo an toàn. Tất cả đều gây phản cảm đối với người nước ngoài, nhất là những người muốn đến để tìm hiểu môi trường đầu tư, cho dù Indonesia là nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú.
 
Trong khi đó, nội bộ cũng có nhiều vấn đề nan giải, bất ổn xã hội vẫn là một nguy cơ thật sự, bên cạnh hiểm họa khủng bố luôn rình rập. Tổng thống Yudhoyono đang gặp khó khăn trước sự phân hóa xã hội và tình hình chính trị xáo động. 
 
Trong kế hoạch hành động trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh các mục tiêu xây dựng một xã hội hài hòa trong một đất nước thống nhất, công bằng và thịnh vượng; tăng cường dân chủ, minh bạch, chống tham nhũng; duy trì pháp luật và trật tự; thúc đẩy tăng trưởng để củng cố an ninh kinh tế; xây dựng hệ thống phúc lợi tốt hơn, giảm tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp; bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường phát triển ở các khu vực; củng cố hợp tác và phát triển mang tính toàn cầu. 
  
Tổng thống Yudhoyono cũng cam kết sẽ đưa kinh tế đất nước phát triển với tốc độ tăng trưởng 7% trong 5 năm tới. Trước mắt, trong chương trình hành động 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ hai, ông Yudhoyono xác định sẽ tập trung ổn định chính trị nội bộ, đẩy nhanh tốc độ giải ngân thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng để tăng cường liên kết vùng miền, tạo công ăn việc làm và chống tham nhũng.

Bất chấp những thách thưc, Indonesia đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới và thế giới có thể hy vọng vào một “sự thấn kỳ” nới ở châu Á sau những bước phát triển thần kỳ ở Nhật Bàn (những năm 1950-1960), ở các nền kinh tế công nghiệp mới NICs gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Sinhgapore (những năm 1970 và 1980) và sau đó là Trung Quốc (những năm 1990-2000)./.