KTĐT - Cùng thời điểm với trận động đất dẫn đến sóng thần, Indonesia còn hứng chịu một thảm hoạ thiên nhiên khác là vụ núi lửa Merapi phun trào dữ dội làm chết ít nhất 30 người, gần Yogyakarta ở Trung Java.
Không phải lần đầu tiên Indonesia xảy ra sóng thần, nhưng hệ thống cảnh báo sớm thảm hoạ này đã bị phá hoại, dẫn đến việc người dân bị động và trận sóng thần tại Sumatra vừa qua khiến hơn 300 người chết và hơn 400 người mất tích.
Telegraph dẫn lời một quan chức cho biết dân làng tại khu vực vừa hứng chịu thiên tai tại Indonesia đã không được cảnh báo kịp thời về trận sóng thần đang ập tới, do hai chiếc phao trong hệ thống cảnh báo đặt ngoài khơi đã bị con người phá hoại nên không thể hoạt động bình thường.
Ông Ridwan Jamaluddin thuộc Cục đánh giá và ứng dụng công nghệ Indonesia khẳng định: "Tôi không nói hệ thống cảnh báo bị hỏng mà là chúng đã bị phá hoại, trong khi thiết bị này rất đắt tiền. Chúng tôi phải đầu tư 5 tỷ rupiah cho mỗi hệ thống (tương đương 560.000 USD)".
Một quan chức khác là Fauzi thuộc Cục khí hậu Indonesia thì cho BBC biết thêm, để phát hiện sớm sóng thần cần cả thiết bị đo thuỷ triều và những chiếc phao chuyên dụng. "Để dự đoán một trận sóng thần, chúng tôi cần số liệu từ phao ngoài biển và thiết bị đo thuỷ triều đặt gần bờ biển. Trong đó chiếc phao có vai trò quan trọng hơn vì đặt ngoài khơi và nó thu thập dữ liệu về các con sóng nhanh hơn nhiều so với thiết bị đo thuỷ triều", ông Fauzi giải thích.
Trong khi đó một người dân sống trong khu vực bị sóng thần tấn công là Ferdinand Salamanang cho biết: "Có hệ thống phát hiện sóng thần và động đất đặt tại cảng của chúng tôi, nhưng chúng đã đã bị hỏng nên chúng tôi không hề nghe thấy bất cứ tín hiệu cảnh báo nào".
Trong khi đó, Indonesia đã bắt đầu lắp đặt hệ thống cảnh báo sóng thần mới từ hai năm trước, với mục tiêu cảnh báo sớm để giúp người dân sống tại các khu vực bờ biển có đủ thời gian sơ tán tới các vùng đất cao trước khi cơn sóng lớn ập vào bờ. Nhưng cơn địa chấn mạnh 7,7 độ Richter ngoài khơi phía tây đảo Sumatra đêm Thứ hai vừa qua đã gây ra trận sóng thần cao hơn 3 mét ập vào bờ, san phẳng các ngôi làng trên quần đảo hẻo lảnh Mentawai.
Cùng thời điểm với trận động đất dẫn đến sóng thần, Indonesia còn hứng chịu một thảm hoạ thiên nhiên khác là vụ núi lửa Merapi phun trào dữ dội làm chết ít nhất 30 người, gần Yogyakarta ở Trung Java. Trong số này có một bô lão mới được tấn phong là người bảo vệ tinh thần cho ngọn núi lửa. Cụ ông ngoài 70 tuổi này không chịu sơ tán khỏi khu vực và sau đó được phát hiện chết trong tư thế đang cầu nguyện và người phủ kín tro bụi.