Phiên toàn thể cấp cao được đồng chủ trì bởi Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, và đại điện các bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ tiên phong trong chuyển đổi số
Trong năm 2019, hàng loạt nội dung liên quan đến CMCN 4.0 đã được Chính phủ chủ động triển khai. Cụ thể gồm, xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030; dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia; ngày 2/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-TTg thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT… Đáng lưu ý, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy).
Cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải có đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng thể chế cho phù hợp, tạo mọi điều kiện cho hoạt động đổi mới, sáng tạo. Huy động mọi nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, cả trong nước và quốc tế, đáp ứng đủ nguồn lực cho việc chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0. Trong đó, các nguồn lực trong nước có vai trò quyết định, các nguồn lực nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình |
Theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, đây chính là những bước đi cụ thể, mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa, triển khai và đưa Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 vừa được Bộ Chính trị ban hành. Theo đó, cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải có đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng thể chế cho phù hợp. Trong đó, Chính phủ tiên phong trong chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong việc đưa công nghiệp 4.0 phát triển đất nước.
Là địa phương tích cực xây dựng chính quyền điện tử, TP thông minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, TP đã đạt được một số kết quả bước đầu, xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước; xây dựng một số cơ sở cốt lõi về dữ liệu dân cư, DN, từng bước xây dựng một số cấu thành của thành phố thông minh như giao thông thông minh, du lịch thông minh và một số vấn đề khác.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Hà Nội thấy các vướng mắc kiến nghị T.Ư: Thứ nhất, liên quan đến quy chuẩn chung, ví dụ như xây dựng chính quyền điện tử thì phải xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, phải có khung kiến trúc chính quyền điện tử T.Ư; Thứ hai, cần sớm có danh mục và xây dựng phần mềm ứng dụng CNTT xuyên suốt giữa T.Ư và các bộ, ngành. “Nếu mỗi địa phương nghiên cứu từng loại ứng dụng khác nhau sẽ gây ra lãng phí và khó có thể đồng bộ khi thực hiện, tích hợp khi kết nối”- đại diện Hà Nội chia sẻ và mong muốn các bộ, ngành có danh mục xây dựng phần mềm mang tính chất xuyên suốt.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cũng kiến nghị, Chính phủ đã phê duyệt đề án số hóa, cần tiến tới xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử để từ đó các địa phương đảm bảo được tính đồng bộ. Đồng thời có hành lang pháp lý dữ liệu, ai sử dụng thế nào ra sao cần có hành lang pháp lý đồng bộ.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, tinh thần của Thủ tướng là tập trung hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở dữ liệu mở hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. “Sẽ sớm có Luật về Chính phủ điện tử để quy định vấn đề kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu, về xác định định danh, bảo mật thông tin cá nhân ”- ông Mai Tiến Dũng cho biết.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ 4.0 tại diễn đàn. Ảnh: Hùng Thập. |
Thúc đẩy DN chủ động tham gia
Chia sẻ tại Diễn đàn, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển đổi số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Và hạt nhân của cuộc chuyển đổi số lần này chính là các DN công nghệ số Việt Nam. “Chúng ta phải cần đến hàng trăm nghìn DN ICT tại khắp các tỉnh, thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Và cũng chính chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Made in Vietnam và hình thành các DN công nghệ số Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Văn phòng Chính phủ đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, dân cư và tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu khác liên quan đến DN… Tích cực xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia cuối 2019 khai trương sẽ kết nối tích hợp với cổng dịch vụ công của các địa phương. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ ra, nền tảng số không chỉ giúp DN lớn mà còn giúp DN vừa và nhỏ tiếp cận kinh tế số nhanh nhất. Do đó, cần có chính sách để DN đua đầu tư cho khoa học công nghệ. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, trong 8 nhiệm vụ chủ yếu trong Nghị quyết 52, chính sách phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, DN công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình GD&ĐT, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số. Xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công tư. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Phó Thủ tướng, sắp tới có nhiều việc phải làm nhưng 2 việc quan trọng trước mắt đó là quyết tâm thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt trong Nghị quyết 02 có 200 tiêu chí cụ thể từ đổi mới sáng tạo, cải thiện kinh doanh, các tiêu chí xếp hạng… kết nối hợp tác tăng cường giữa Chính phủ với các bộ ngành, địa phương, DN trong nước và nước ngoài… chung tay giải quyết vấn đề chung.