Kinhtedothi - Ủy ban Thường trực về Dân Chủ và Nhân quyền đã thảo luận việc thực hiện Nghị quyết năm 2012 của IPU về “Quyền cơ bản về tiếp cận y tế - vai trò của quốc hội trong việc giải quyết những thách thức quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe của phụ nữ và trẻ em”.
Nghị quyết này của IPU được thông qua tại Đại hội đồng IPU-126 năm 2012, kêu gọi nghị sỹ và các nghị viện IPU đưa ra những chính sách và triển khai nguồn lực cần thiết để thực hiện 2 trong 8 Mục tiêu thiên niên kỷ là: Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và Cải thiện sức khỏe bà mẹ.
Cụ thể, giảm 2/3 tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và giảm 3/4 tỷ lệ tử vong ở bà mẹ vào năm 2015, đồng thời phổ cập chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng: Những tiến bộ đạt được trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em thời gian qua tuy có tiến bộ nhưng kết quả này đang bị đe dọa bởi những thách thức như: Xung đột, biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh chóng và di cư. Nếu chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em không được quan tâm nhiều trong thời gian tới, sẽ tác động tiêu cực đối với sự phát triển chung của các quốc gia.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong 2 mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cải thiện sức khỏe bà mẹ, song nhiều nghiên cứu cho thấy: Hiện mỗi ngày trên toàn thế giới có tới 1.500 phụ nữ tử vong do các biến chứng trong lúc mang thai và khi sinh. Riêng trong năm 2002, số bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong đã làm tổn thất 15 tỷ đô la. Đến nay, mặc dù tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em đã giảm đáng kể so với những năm 2000, nhưng thế giới vẫn mất 287.000 phụ nữ trong năm 2010 và 6,9 triệu trẻ em trong 2011.
Trao đổi về những nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm sóc bà mẹ, trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam Trương Thị Mai cho biết: Trong khu vực, Việt Nam là một trong số nước đứng đầu bảng liên quan đến Mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bền vững sau năm 2015 đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng dân tộc ít người. Đây là cơ hội để chúng ta nghe những kinh nghiệm của các nước, để có thể thay đổi biện pháp hoặc là cách đầu tư cho hiệu quả hơn. Ngoài ra, những khuyến nghị từ đây có thể là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, lắng nghe những khuyến nghị của thế giới và chúng ta cũng phải lựa chọn những mục tiêu phù hợp với Việt Nam.
Trong phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu IPU - 132 đều cho rằng, huy động tài chính là vấn đề quan trọng nhất giúp phụ nữ và trẻ em toàn cầu được tiếp cận với dịch vụ y tế, bên cạnh một số yếu tố khác như luật pháp, nhận thức và chất lượng dịch vụ y tế ở các nước.