KTĐT - Các nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm đạt được những kết quả tốt nhất trong nỗ lực hạn chế những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngày 27/10, phát biểu tại Hội nghị Năng lượng tái tạo quốc tế 2010 (IREC) diễn ra tại thủ đô Delhi của Ấn Độ, Phó chủ tịch Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc, Liu Qi cho biết tất cả các nước trên thế giới đều phải có trách nhiệm chung trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Đồng thời các nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm đạt được những kết quả tốt nhất trong nỗ lực hạn chế những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Liu kêu gọi các nước tham dự IREC 2010 cùng vạch ra các kế hoạch, nhằm phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, đồng thời giúp họ đưa ra các chiến lược cụ thể, phù hợp với nguồn tài nguyên, trình độ công nghệ và khả năng kinh tế của mỗi nước.
Ông cho biết Trung Quốc mong muốn mở rộng tối đa thị trường năng lượng tái tạo của mình, bởi việc chuyên môn hóa là cách tốt nhất đem lại hiệu quả và giảm chi phí cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, ông Liu nói thêm rằng việc đưa các công nghệ có chi phí thấp vào lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng nên được đẩy mạnh trên toàn thế giới, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp các nước đang phát triển nâng cao lượng tiêu thụ năng lượng tái tạo, đồng thời lưu ý rằng sẽ không có bất kỳ rào cản thương mại nào được sử dụng trong lĩnh vực này.
Kể từ năm 2009, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ các thiết bị và silicon đa tinh thể, phục vụ cho lĩnh vực điện Mặt Trời, trị giá 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện Mặt Trời của quốc gia Đông Á sang Mỹ chỉ đạt 700 triệu USD.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn phải đưa ra mức trợ giá lên tới 448 triệu USD cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong khi con số này tại Mỹ là 10 tỷ USD.
Đây là IREC lần thứ 5 được tổ chức, với sự tham dự của hơn 9.000 đại biểu từ hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới. Hội nghị kéo dài 3 ngày này dự kiến sẽ thảo luận về các lĩnh vực như kinh tế "xanh," biến đổi khí hậu, cải cách tài chính, công nghệ, vận tải, chính sách...và các vấn đề khác có liên quan tới năng lượng tái tạo.