Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

IS đổi chiến lược, tăng liều lượng tấn công

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng lễ Ramadan, hơn 800 người Mỹ, Philippines, Bangladesh, Iraq... bị thương vong trong các vụ thảm sát do những kẻ ủng hộ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành.

Vào cuối tháng 5, chỉ vài tuần trước thềm tháng lễ Ramadan, phiến quân IS kêu gọi những kẻ ủng hộ trên khắp thế giới biến thời điểm này trở thành “tháng đau thương đối với các kẻ ngoại đạo”.
Vụ tấn công đẫm máu ở sân bay Ataturk, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/6 làm rúng động thế giới.
Vụ tấn công đẫm máu ở sân bay Ataturk, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/6 làm rúng động thế giới.
Trong số loạt tấn công của IS ở thời điểm nhạy cảm này, tồi tệ nhất là vụ đánh bom ở Thủ đô Baghdad (Iraq) với ít nhất 213 người thiệt mạng. Ngoài ra, những kẻ ủng hộ IS còn ra tay xả súng và bắt cóc con tin trong một quán café tập trung nhiều người nước ngoài tại Thủ đô Dhaka (Bangladesh). Thảm sát ở Bangladesh xảy ra 3 ngày sau tấn công đẫm máu ở sân bay Ataturk (Thổ Nhĩ Kỳ). Giới chức nước này cáo buộc IS là thủ phạm. Hai tuần trước đó, hôm 12/6, một vụ xả súng nhằm vào câu lạc độ đồng tính Pulse tại Mỹ, thủ phạm tuyên bố thực hiện vụ này cũng trên danh nghĩa IS.

Điểm lại những vụ tấn công liên quan tới IS trong thời gian gần đây, có thể thấy tội ác của nhóm khủng bố này ngày càng có chủ đích và chiến lược rõ ràng, là chia rẽ nội bộ và làm sâu sắc hơn những tổn thất về kinh tế, du lịch của các quốc gia mục tiêu.

Cụ thể, khu vực quận Karrada của thủ đô Iraq chứng kiến cuộc đánh bom đẫm máu khiến hơn 400 người thương vong, thường tập trung lượng lớn người dân mua sắm, trước thềm kỳ nghỉ lễ đánh dấu kết thúc tháng Ramadan thiêng liêng của người Hồi giáo. Người dân Iraq giận dữ khi chính phủ không thể bảo vệ họ, kể cả khi lực lượng quân đội nước này đã đẩy lùi IS trên trận địa ngoài thủ đô.

Trong khi đó, nơi bị tấn công ở Bangladesh tập trung đông đúc giới thượng lưu cùng các nhà ngoại giao, khác với các mục tiêu thường thấy của IS. Cảnh sát Malaysia cũng vừa khẳng định vụ tấn công vào nước này hồi cuối tháng 6 do IS tiến hành. Đây là lần đầu tiên quốc gia Đông Nam Á này bị nhóm khủng bố tấn công. Các chuyên gia quan ngại, chiến lược của IS đã rẽ sang ngả mới. Hơn một tuần trước, lực lượng quân đội Iraq đã tái kiểm soát TP chiến lược Fallujah chỉ cách thủ đô Iraq 50km về phía Tây. Để bù đắp những mất mát về lãnh thổ, IS có thể triển khai chiến thuật du kích, gia tăng tấn công vào tầng lớp thượng lưu ở các khu vực chúng không kiểm soát chính.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang gặp khó khăn kinh tế trầm trọng do leo thang căng thẳng trong quan hệ với Nga suốt thời gian qua, vụ đánh bom có thể làm gia tăng tổn thất trong ngành du lịch của Ankara. Một số nhà quân sự khẳng định, việc IS nhiều lần trì hoãn nhận trách nhiệm các vụ đánh bom ở Ankara nhằm làm sâu sắc thêm mâu thuẫn nội bộ quốc gia này. Lực lượng người Kurd mà chính quyền Ankara cáo buộc chống chính phủ vẫn luôn rơi vào tầm nghi ngờ mỗi khi nước này hứng chịu các vụ tấn công đẫm máu. Từ gây ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế và reo rắc nỗi sợ hãi trong người dân, tội ác của IS sẽ lan rộng, gây ra những bất ổn trên chính trường.