KTĐT - Trong gần 30 mươi năm điều hành quỹ đầu tư, Simons sử dụng các thuật toán để phân tích các thị trường giao dịch, trong đó nhiều phần được làm tự động. Renaissance của ông chuyên sử dụng các mô hình toán học để dự báo giá cổ phiếu trên các thị trường khắp thế giới.
Từ một nhà toán học nổi tiếng, James Simons chuyển sang ngành tài chính và thu được thành công ngoài mong đợi. Hãng đầu tư của ông cũng có phần khác người, khi tuyển toàn nhà khoa học vào làm việc.
Trong năm 2008, khi thị trường tài chính thế giới lâm vào khủng hoảng và phần lớn quỹ đầu tư lớn thua lỗ, hãng đầu tư Renaissance Technologies của ông vẫn thu về 2,5 tỷ USD lợi nhuận. Trước đó, năm 2007 là 2,8 tỷ USD. Với tổng tài sản cá nhân hiện tại vào khoảng 5,5 tỷ USD, vị tỷ phú này được tạp chí Forbes xếp hạng giàu thứ 55 tại Mỹ. Năm 2006, ông được tạp chí Time bình chọn là tỷ phú thông thái nhất thế giới.
Năm 1982, Simons thành lập Renaissance Technologies, một hãng đầu tư tư nhân tại New York và quản lý nguồn vốn khổng lồ vào thời điểm đó, trên 20 tỷ USD. Ngày nay, ở độ tuổi 71, ông vẫn là CEO của hãng, và đây vẫn là quỹ đầu tư đa quốc gia thành công bậc nhất trên thế giới.
Trong gần 30 mươi năm điều hành quỹ đầu tư, Simons sử dụng các thuật toán để phân tích các thị trường giao dịch, trong đó nhiều phần được làm tự động. Renaissance của ông chuyên sử dụng các mô hình toán học để dự báo giá cổ phiếu trên các thị trường khắp thế giới.
Hãng quản lý quỹ này cũng có bộ máy nhân sự khác biệt so với tất cả quỹ đầu cơ khác trên thế giới, bởi nó bao gồm tập hợp các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu, đặc biệt là toán học.
Simons đề ra tiêu chí để tuyển dụng là những người có năng lực đã được thừa nhận về nghiên cứu khoa học, để thực hiện các mô hình toán học về những thị trường mà quỹ đầu tư. Rất nhiều nhân sự của hãng này bước thẳng từ phòng nghiên cứu của các hãng công nghệ như IBM hay Bell sang quỹ, mà chưa hề có kinh nghiệm về thị trường tài chính. Và kết quả, như đã được thực tế chứng minh, và như chính ông chủ quỹ Simons nhận xét, là hơn cả mong đợi.
Sinh trưởng trong một gia đình gốc Do Thái, Simons khởi nghiệp bằng con đường học thuật, khi theo đuổi Toán học ở bậc đại học và nhận bằng Tiến sĩ cũng với ngành Toán. Ông có nhiều năm giảng dạy tại Đại học Massachusetts và Harvard, làm nghiên cứu cho Bộ quốc phòng trước khi chuyển sang đầu tư tài chính.
Ông cũng từng giành giải Oswald Veblen của Hiệp hội toán học Mỹ. Nhưng chỉ 2 năm sau, vào năm 1978, ông rời bỏ con đường học thuật và bắt đầu công việc đầu tư, với nhiều ứng dụng từ chính những nghiên cứu toán học trước đây của mình.
"Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến một nhà toán học nổi tiếng lại chuyển hướng và đạt được những thành tựu lớn như vậy trong ngành tài chính", giáo sư Edward Witten tại Viện nghiên cứu nâng cao Princeton, một cộng sự trong khoa học của Simons nhận xét.
Simons cũng được coi là tỷ phú ẩn dật, khi rất ít khi nhận trả lời phỏng vấn, và thường dẫn lời nhân vật con lừa Benjamin trong cuốn sách Animal Farm như một cách giải thích: "Chúa trời ban cho tôi cái đuôi để đuổi ruồi, nhưng tôi thà không có cả đuôi lẫn ruồi". Ông sống cùng vợ tại Manhattan và Long Island, New York, và có 3 người con.
Simons cũng là một nhà hoạt động xã hội tích cực. Ông và vợ thành lập Quỹ Paul Simons, một tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ các dự án giáo dục, y tế, đặc biệt là bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ, và nghiên cứu khoa học. Ông cũng có nhiều hoạt động từ thiện khác trên danh nghĩa 2 người con trai quá cố của mình. Tính đến nay Simons đã chi hàng chục triệu USD cho các hoạt động từ thiện và dự kiến dành thêm 130 triệu USD trong các năm tới.