Đó là thế hệ của những tên tuổi họa sĩ, kiến trúc sư Việt tạo nên những di sản đô thị đang hiện hữu tại Thủ đô như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khu biệt thự, nhà hàng trên khu phố "Tây"...
Di sản duy nhất còn lại sau 95 năm
Trên phố Yết Kiêu (Hà Nội), trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam được nhiều người dân Thủ đô biết tới với kiến trúc Pháp cổ kính. Trải qua nhiều biến động của thời gian, kiến trúc của dãy nhà cổ tồn tại 95 năm đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn một di sản sót lại, đó là khu “Giảng đường chính”. Khu giảng đường là biểu tượng của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay được nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên của trường xem như là nhân chứng lịch sử cho nền giáo dục mỹ thuật Việt Nam.
Tại triển lãm “Mỹ thuật Đông Dương và mỹ thuật ứng dụng Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã mượn ngôn ngữ nhiếp ảnh phù điêu để thực hiện tác phẩm “Giảng đường chính”. Qua tác phẩm này, tác giả muốn tái hiện lại dãy nhà đã đi vào logo của trường, giống như một sân khấu lịch sử, nơi người xưa và nay cùng xuất hiện với nhau. “Dãy nhà này là phần di sản còn lại duy nhất từ thời Đông Dương, khi ông Victor Tardieu là hiệu trưởng đầu tiên lập nên trường” - hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết.
Hiểu thêm về lịch sử Thủ đô
Tại triển lãm này, lần đầu tiên công chúng Thủ đô được tiếp xúc với các tư liệu quý về mỹ thuật ứng dụng Hà Nội ở thế kỷ trước. Một điểm nhấn quan trọng về phần điêu khắc trang trí là hai bức phù điêu trên giảng đường tại trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) của Georges Khánh và Vũ Cao Đàm. Ở phần mỹ thuật ứng dụng, trưng bày giới thiệu về nhiều sản phẩm như: Tem Đông Dương, áo dài…
Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương còn để lại nhiều dấu ấn trong kiến trúc, di sản đô thị tại Hà Nội. Từ sau năm 1930, biệt thự, nhà hàng, công trình văn hóa tâm linh… tập trung chủ yếu tại khu vực hồ Thiền Quang, phía Nam hồ Hoàn Kiếm, khu Ba Đình và phố Lý Thường Kiệt đều do các kiến trúc sư người Việt thiết kế.
Trong đó, có thể kể đến một số công trình như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… Đến nay, các công trình đó được bảo tồn, gìn giữ như một phần quan trọng của kiến trúc Thủ đô.
Công chúng tham quan triển lãm ''Mỹ thuật Đông Dương và mỹ thuật ứng dụng Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX''. |
Ngoài ra, thông qua những câu chuyện về các họa sĩ được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương và hiện vật được trưng bày, người xem cũng hiểu được về một phần lịch sử Thủ đô. Ở phần triển lãm nội thất, công chúng được tìm hiểu câu chuyện về họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và căn nhà 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên ngôn Độc lập.
Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912 – 1997), tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1938. Ông mở hiệu trang trí nội thất, thiết kế và sản xuất đồ gỗ quý ở 47 Hàng Đậu. Năm 1939, ông chuyển xưởng mộc về địa chỉ 78 Hàng Bông, nhập khẩu máy móc từ Pháp, thuê gần 20 thợ làm việc, đặt tên xưởng là Mémo Ébénisterie (Ai dùng sẽ nhớ mãi).
Năm 1945, ông thiết kế và làm toàn bộ nội thất đồ gỗ nhà 48 Hàng Ngang của ông Trịnh Văn Bô. Ông cùng Nguyễn Hữu Đang, Ngô Huy Quỳnh… xây dựng kỳ đài lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Qua những hiện vật, câu chuyện tại triển lãm cho thấy, lịch sử phát triển của trường Mỹ thuật Đông Dương gắn bó mật thiết với văn hóa, kiến trúc Thủ đô. Ở đó, mỗi công trình, người dân ở mảnh đất ngàn năm văn hiến là những minh chứng rõ nét cho một đô thị di sản, thành phố vì hòa bình.