Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kẽ hở trong lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc với Triều Tiên

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc không áp dụng với hàng may xuất khẩu trong khi đây là hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Triều Tiên.

Mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2
Các công ty may Trung Quốc đang sử dụng ngày càng nhiều các nhà máy của Triều Tiên nhằm tận dụng lượng nhân công rẻ.
Quần áo được sản xuất tại Triều Tiên gắn mác “Made in China” và xuất khẩu khắp nơi trên thế giới, các thương nhân tại thành phố Đan Đông, Trung Quốc cho hay.
Sử dụng nhân công Triều Tiên để sản xuất các mặt hàng may mặc được bán khắp nơi trên thế giới cho thấy, nếu lệnh trừng phạt nặng hơn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) áp đặt lên Bình Nhưỡng đóng lại mọi cánh cửa, vẫn có một cánh cửa khác mở ra.
Lệnh trừng phạt của LHQ không áp dụng với các mặt hàng may xuất khẩu.
“Chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới”, một doanh nhân ở Đan Đông, thành phố biên giới Trung Quốc nơi phần lớn hoạt động thương mại giữa 2 nước diễn ra.
May mặc là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Triều Tiên, sau than đá và khoáng sản trong năm 2016, với tổng giá trị 752 triệu USD. Xuất khẩu của Triều Tiên cũng tăng 4,6% lên 2,82 tỷ USD.
Các công nhân Triều Tiên đang may giày thể thao trong một nhà máy tại một ngôi làng nông thôn nằm ở ranh giới của Đan Đông, Trung Quốc năm 2012. 
Việc ngành dệt may phát triển mạnh mẽ cho thấy Triều Tiên đã có sự cải cách thị trường để thích ứng với các lệnh trừng phạt của LHQ. Điều này cũng cho thấy mức độ phụ thuộc kinh tế của Bình Nhưỡng vào Bắc Kinh.
Người phát ngôn Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng gần 30% lên 1,67 tỉ USD trong nửa đầu năm nay, chủ yếu là do các nguyên liệu dệt và mặt hàng truyền thống không nằm trong danh sách trừng phạt của LHQ.
Các thương nhân và các đại lý ở Đan Đông cho biết, đây là một thực tế quen thuộc tại đây.
Các nhà cung cấp Trung Quốc gửi vải và các nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất quần áo cho các nhà máy của Triều Tiên qua biên giới. Quần áo thành phẩm được vận chuyển trực tiếp từ Triều Tiên đến các cảng Trung Quốc trước khi được đưa đi khắp thế giới.
Công nhân Triều Tiên năng suất hơn 1/3 nhưng nhận lương bằng 1/2
Một nhà kinh doanh Trung Quốc đã sống ở Bình Nhưỡng cho biết các nhà sản xuất có thể tiết kiệm đến 75% bằng cách sản xuất quần áo ở Triều Tiên. Một số nhà máy của Triều Tiên nằm ở thành phố Siniuju chỉ cách Đan Đông vài bước qua biên giới.
 Một nữ công nhân Triều Tiên.
Theo công ty tư vấn GPI của Hà Lan, Triều Tiên có khoảng 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc lớn và hàng chục công ty cỡ trung bình. Tất cả các nhà máy đều thuộc sở hữu nhà nước và luôn bận rộn.
Một nữ doanh nhân Trung Quốc gốc Hàn tại một nhà máy ở Đại Liên, thành phố cảng Trung Quốc, cách Đan Đông 2 tiếng đồng hồ bằng tàu hỏa, cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng đặt hàng các nhà máy của Triều Tiên nhưng tất cả đều đã kín lịch”.
Công nhân may Triều Tiên có thể sản xuất thêm 30% khối lượng công việc mỗi ngày so với công nhân Trung Quốc.
"Ở Triều Tiên, công nhân các nhà máy luôn tin rằng, họ đang làm việc cho đất nước của họ, cho lãnh đạo của họ. Họ hạn chế tối đa những sinh hoạt cá nhân vì sợ làm ảnh hưởng đến cả dây chuyền”, bà nói.
Nhưng họ được trả mức lương thấp hơn nhiều nước châu Á khác. Các công nhân Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong sát biên giới với Hàn Quốc nay đã đóng cửa nhận mức lương từ 75 USD - 160 USD/tháng trong khi đó, mức lương trung bình tại một nhà máy Trung Quốc là từ 450 - 750 USD/tháng.
Các công ty dệt Trung Quốc cũng đang sử dụng hàng nghìn công nhân Triều Tiên giá rẻ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp quốc đã cấm các quốc gia gia tăng số lao động Triều Tiên hiện đang làm việc ở nước ngoài.
Theo ông Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, số lao động Triều Tiên tại Trung Quốc đã giảm so với thời kỳ cao điểm vào 2 - 3 năm trước.
Các công nhân Triều Tiên ở Trung Quốc kiếm được khoảng 300 USD, khoảng một nửa mức trung bình cho công nhân Trung Quốc. Họ được phép giữ khoảng 1/3 tiền lương của họ, phần còn lại gửi về nước phục vụ cho chương trình tên lửa và hạt nhân. Một ca làm việc tại nhà máy bắt đầu từ 7 giờ 30 phút sáng đến 10 giờ đêm.