KTĐT - Cùng với Kênh 1 - kênh thực hiện ngoại giao chính thức của chính phủ , Kênh 3 - kênh thực hiện ngoại giao nhân dân thì Kênh 2 của ASEAN có vai trò thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm sự đồng thuận, tăng cường đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các chương trình hợp tác và đưa liên kết ASEAN đi vào chiều sâu.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành cuốn sách Kênh đối thoại không chính thức về an ninh và chính trị - Kênh 2 của ASEAN của Tiến sỹ Luận Thùy Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao - Bộ Ngoại giao.
Với gần 400 trang sách, tác giả Luận Thùy Dương đã bước đầu sưu tầm, tập hợp và khai thác các tư liệu, trình bày một cách cơ bản và có hệ thống quá trình hình thành và phát triển của Kênh 2 ASEAN, và mối quan hệ của Kênh 2 với các kênh khác trong quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á; phân tích cơ sở khoa học và lý luận về sự ra đời của Kênh 2, vị trí và vai trò của kênh này trong tổ chức ASEAN;
Tác giả cũng đưa ra những nhận xét, đánh giá có tính độc lập về triển vọng một số vấn đề khó khăn và thuận lợi, cũng như đề xuất một vài khuyến nghị về sự tham gia của Việt Nam trong Kênh 2 nói riêng và trong ASEAN nói chung.
Một số luận chứng trong cuốn sách thể hiện quan điểm riêng của tác giả về một số vấn đề khá phức tạp trong quan hệ quốc tế, nhất là những vấn đề liên quan đến chiến lược của các nước lớn, quan hệ giữa một số nước lớn như Mỹ, Trung Quốc với các nước ASEAN…
Trên thế giới và ở Việt Nam, cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về Kênh 2 - Kênh đối thoại không chính thức về an ninh và chính trị. Năm 1988, thể chế đầu tiên của ASEAN ra đời. Bảy năm sau, kênh này được chính thức ghi nhận trong văn kiện của ASEAN, được công nhận rộng rãi và phát triển mạnh mẽ kể từ sau đó.
Cùng với Kênh 1 - kênh thực hiện ngoại giao chính thức của chính phủ , Kênh 3 - kênh thực hiện ngoại giao nhân dân thì Kênh 2 của ASEAN có vai trò thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm sự đồng thuận, tăng cường đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các chương trình hợp tác và đưa liên kết ASEAN đi vào chiều sâu.
Sự ra đời Kênh 2 của ASEAN còn góp phần quan trọng vào việc phát triển “phương cách ASEAN,” đưa phương cách này vào nhiều thể chế hóa đa phương ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương, qua đó, ASEAN nâng cao uy tín và ảnh hưởng của mình.
Việt Nam tham gia Kênh 2 của ASEAN từ năm 1995. Trong Lời giới thiệu của cuốn sách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá: “Bên cạnh những đóng góp cụ thể cho Năm Chủ tịch ASEAN 2010, sự tham gia của Việt Nam trong Kênh 2 của ASEAN còn mang ý nghĩa quan trọng đối với đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Kênh 2 tạo thêm cơ hội cho Việt Nam giao lưu và hội nhập thế giới. Sự kết hợp giữa Kênh 2 với Kênh 1 và Kênh 3, giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, thúc đẩy quan hệ không chỉ giữa chính phủ với chính phủ mà còn giữa các đảng cầm quyền, đảng cộng sản và giữa các tầng lớp nhân dân với nhau.
Kênh 2 đang cùng Kênh 1 tuyên truyền và thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở của Việt Nam, đồng thời, góp phần làm cho các nước thấy được tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong quá trình hội nhập, từ đó tích cực làm bạn và trở thành đối tác tin cậy với Việt Nam"./.