Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kênh T2 và T5, huyện Hoài Đức: Ô nhiễm nghiêm trọng

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo phản ánh của người dân ở gần kênh T2, T5 xã Yên Sở, huyện Hoài Đức thời gian gần đây họ phải đóng cửa suốt ngày bởi cứ hé cửa ra là mùi hôi thối xộc vào nhà.

Đây là mùi nước thải từ các làng nghề chế biến nông sản trên xã Cát Quế, Dương Liễu đổ về. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Phí Đình An cho biết, những tháng cuối năm, mỗi ngày các hộ dân nhập về khoảng 1.000 tấn dong riềng và trên 1.000 tấn sắn để chế biến nông sản. Với củ sắn, khi chế biến tốn ít nước nhưng dong riềng thì lượng nước tiêu tốn nhiều. Khi xả ra môi trường, chỉ vài hôm là nước thải bắt đầu bốc mùi. Từ khi nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà đi vào hoạt động, nước thải của 10 thôn trong đê đã cơ bản được thu gom, xử lý. Nhưng 4 thôn miền bãi (ngoài đê) do chưa có hệ thống thu gom về nhà máy nên vẫn xả thẳng ra kênh T5, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở các địa phương cuối nguồn.

Vốn là kênh tiêu thoát nước thải cho các xã làng nghề như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai và nước thải sinh hoạt của các xã Sơn Đồng, Đức Giang, Đức Thượng… nhưng hiện tại, nhiều đoạn của kênh T2 bùn đất, rác thải đóng thành tảng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Những hộ gia đình sống cạnh kênh T2, đoạn chảy qua xã Sơn Đồng đều phải đóng kín cửa suốt ngày và dùng bạt dứa “quây” xung quanh nhà.

Trao đổi về vấn đề ô nhiễm môi trường, chuyên viên Phòng TN&MT huyện Hoài Đức Lê Danh Truyền cho biết, kênh T5 chảy qua các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế rồi đổ thẳng ra sông Đáy. Do ở cuối nguồn nên xã Yên Sở là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nước thải chưa được gom về nhà máy xử lý. Còn T2 là kênh thu gom nước thải của khoảng 15 xã trên địa bàn huyện Hoài Đức và nước thải của các xã làng nghề Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế. Từ khi nhà máy Cầu Ngà đi vào hoạt động đã đấu nối hệ thống và xử lý rất có hiệu quả. Nhưng gần đây, do lượng rác thải quá nhiều, cuốn vào động cơ đã làm hỏng một số máy bơm của nhà máy. Hiện chủ đầu tư đang phải xây dựng hệ thống tách lọc rác, dự kiến đầu tháng 12 sẽ hoàn thành.

Theo ông Truyền, kênh T2 và T5 thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp khai thác Công trình thủy lợi Đan Hoài. Hàng năm, đơn vị này vẫn thường xuyên nạo vét lòng kênh. Nhưng hiện nay lượng bùn thải lắng đọng rất nhiều và một bộ phận người dân thiếu ý thức vẫn xả rác ra kênh khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. “Chỉ khi cả 3 nhà máy xử lý nước thải ở xã Sơn Đồng, Vân Canh và Cầu Ngà (xã Dương Liễu) đi vào hoạt động và khớp nối hạ tầng với nhau thì vấn đề nước thải mới được xử lý triệt để” - ông Truyền nói.