Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, do Sở Công Thương Hà Nội và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) vừa tổ chức.
Nhiều khó khănThời gian qua, ngành công thương Hà Nội và các hội, hiệp hội, DN TP đã tổ chức nhiều hoạt động giao thương với các địa phương, qua đó hỗ trợ 20 tỉnh, thành tiêu thụ các sản phẩm trên thị trường Hà Nội. Đặc biệt, HPA và các DN bán lẻ Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm... để đưa vào kênh phân phối hiện đại, từ đó xây dựng phát triển chuỗi thực phẩm an toàn.
|
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội 2017. Ảnh: Hoài Nam |
Mặc dù hoạt động kết nối đã giúp các DN chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm có tính thời vụ. Tuy nhiên, trong quá trình đưa hàng tiếp cận hệ thống phân phối hiện gặp không ít khó khăn. Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, thời gian qua, sự phối hợp giữa DN Hà Nội và các địa phương có lúc chưa kịp thời, đặc biệt là đối với các sản phẩm có tính thời vụ nên khó khăn trong công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc siêu thị Fivimart Trương Định Sỹ Danh Phúc đánh giá, các tỉnh còn ít DN quy mô lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa, điều này khiến DN Hà Nội gặp khó khăn trong quá trình thu mua lượng hàng lớn. Đồng tình với ý kiến này, các DN bán lẻ Hà Nội đều đưa ra đánh giá, nhiều loại nông sản của các tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, cũng như khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển... Sự liên kết, kết nối giữa các cơ sở, DN sản xuất với các DN phân phối chưa chặt chẽ dẫn đến việc DN bán lẻ không thu mua được hàng hóa khi có nhu cầu lớn.
Đi vào thực chấtĐể chương trình kết nối ngày càng hiệu quả trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt với hàng hóa ngoại nhập, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang Mai Văn Sướng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản trong nước tìm kiếm, kết nối các nhà cung cấp với hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình sản xuất, cung cấp hàng hóa sạch, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường Hà Nội.
Các DN cung ứng, bán lẻ kiến nghị các cấp chính quyền cần song hành với DN, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Bên cạnh đó, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại để bảo đảm có các kênh tiêu thụ bền vững tạo điều kiện cho hàng hóa các tỉnh tiếp cận các kênh phân phối trên địa bàn. Hoạt động này không chỉ đơn thuần là sự hợp tác giữa DN sản xuất với bán lẻ, mà là một cách để người tiêu dùng biết đến và bảo vệ hàng Việt trước sức ép cạnh tranh của hàng ngoại, hàng nhái, hàng giả.