Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối tiêu thụ sản phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hoạt động liên kết với các vùng miền, TP Hà Nội đã hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, ...

Kinhtedothi - Trong hoạt động liên kết với các vùng miền, TP Hà Nội đã hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, nhưng điều quan trọng hơn cả là chính bản thân DN thông qua hoạt động này phải đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu.  Đó là ý kiến của các DN trong thời gian tham gia Chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam 2014 do UBND TP Hà Nội tổ chức từ ngày 28/11 - 2/12.

Ký hơn 600 biên bản ghi nhớ hợp tác

Những ngày này, Trung tâm thương mại Royal City luôn đông khách đến tìm hiểu, thưởng thức đặc sản truyền thống của 40 tỉnh, thành trên cả nước đang được giới thiệu tới người tiêu dùng (NTD) Hà Nội. Tại đây, trong một không gian không lớn lắm nhưng NTD có thể cảm nhận được những hương vị từng vùng miền. Từ mùi mặn mòi của các loại nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc, Cát Bà…, mùi thơm nồng của quế hồi Lạng Sơn, nấm hương Sơn La, tỏi Lý Sơn... tới mùi thanh khiết của trà Mộc Châu, Thái Nguyên, cà phê Lâm Đồng... Bên cạnh đó, NTD còn được thưởng thức đặc sản thịt trâu gác bếp, lạp xưởng của các tỉnh miền núi Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang...

 
Người tiêu dùng chọn mua nước mắm Cát Hải tại chương trình.     Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng chọn mua nước mắm Cát Hải tại chương trình. Ảnh: Hoài Nam
 
Đây là lần đầu tiên TP Hà Nội tổ chức Chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam nhưng đã thu hút được 160 DN đến từ 40 tỉnh, thành tham gia. Điều quan trọng hơn cả là thông qua chương trình này, ngành công thương Hà Nội còn tạo điều kiện cho DN các tỉnh, thành mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DN các tỉnh, thành tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội còn tạo cơ hội cho DN các tỉnh, thành kết nối với hơn 300 DN bán lẻ, khách sạn, nhà hàng, bếp ăn trường học... của TP. Nhờ đó mà ngay trong ngày khai mạc, DN các tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Thuận, Bến Tre... đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giao thương với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty CP Nhất Nam.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong 2 ngày đầu diễn ra Chương trình, DN 40 tỉnh, thành đã ký kết hơn 600 biên bản ghi nhớ hợp tác giao thương với các DN Hà Nội. Điều này hứa hẹn một sự liên kết chặt chẽ trong tương lai, tạo ra chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả cho sản phẩm đặc sản vùng miền tại thị trường Thủ đô.

Xây dựng thương hiệu

Mặc dù ngành công thương Hà Nội đã tạo cơ hội cho DN 40 tỉnh, thành tiêu thụ sản phẩm nhưng muốn mở rộng được thị trường, đòi hỏi DN phải đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu. Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Tại mỗi vùng miền đều có những loại đặc sản ngon, giá trị cao, tuy nhiên, nhiều DN chưa biết cách xây dựng, quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, từ năm 2015, với việc mở cửa thị trường bán lẻ, các sản phẩm nước ngoài sẽ ồ ạt vào Việt Nam, nên muốn giữ thị phần đòi hỏi DN phải tập trung hơn cho việc xây dựng thương hiệu.

Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Hapro nhận xét: Tuy có đến 160 DN các tỉnh, thành giới thiệu hàng hóa nhưng vẫn còn một lượng lớn DN chưa quan tâm đến mẫu mã, bao bì cho sản phẩm. "Tại các gian hàng của các tỉnh miền núi mặc dù trưng bày nhiều loại lạp xưởng, măng khô, song những sản phẩm này chỉ được bao gói bằng những túi ni lông trắng bình thường, không có những điểm nhấn để tạo ấn tượng đến khách hàng. Trong khi đó, một số ít DN đã chú trọng đến mẫu mã, bao bì nhưng lại không để tâm đến việc cung cấp thông tin sản phẩm tới NTD. Những hạn chế này dẫn đến việc NTD muốn biết chất lượng, nguồn gốc, cách sử dụng sản phẩm phải được người bán thông tin trực tiếp. Thậm chí, một số DN mặc định NTD nếu mua sản phẩm thì phải biết cách sử dụng, nhưng với đặc sản vùng miền, người ở địa phương khác sẽ khó biết cách sử dụng sao cho phù hợp.

Ngoài việc xây dựng thương hiệu từ khâu thiết kế bao bì, chất lượng, quảng bá sản phẩm còn đòi hỏi DN phải chú trọng việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ. Tại Hội thảo "Nâng cao giá trị, phát triển thương hiệu, thị trường đặc sản vùng miền" do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, TS Huyền Minh - Giảng viên trường Đại học Ngoại thương khẳng định: Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu khi xuất khẩu hàng hóa sẽ giúp DN bảo vệ thương hiệu, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng bị DN khác cướp mất thương hiệu hoặc bị làm "nhái", làm giả, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu. Đã có rất nhiều bài học minh chứng cho thực tế này. Điều đó cho thấy, Chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Việt Nam 2014 do UBND TP Hà Nội tổ chức là một trong những hoạt động thiết thực hỗ trợ DN các tỉnh, thành trong cả nước và Hà Nội quan tâm hơn đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu, qua đó đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ sản phẩm.