Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết quả phiếu tín nhiệm: Tương đối đúng và trung thực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/6, ngay sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH đã bày tỏ nhiều ý kiến.

 >>Chi tiết kết quả phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh

 
Kết quả phiếu tín nhiệm: Tương đối đúng và trung thực - Ảnh 1
 

ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam): Chỉ nên có phiếu tín nhiệm hoặc không tín nhiệm

Tôi thấy nhiều ý kiến cho rằng không nên để ở ba mức phiếu, nhưng có thể coi đây là sự sáng tạo, lần sau chỉ nên có phiếu tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Còn với kết quả lấy phiếu, với một số chức danh kết quả không cao,  ở một khía cạnh có thể thấy,  đó chưa hẳn là người điều hành công việc chưa tốt. Bởi có những lĩnh vực nhạy cảm, trong lúc đất nước đang khó khăn luôn nhận được sự đòi hỏi cao hơn của ĐBQH và cử tri, do đó sự đánh giá cũng khác nhau. Nên tôi nghĩ rằng, số phiếu thấp hay cao cũng không phải đã nói lên tất cả mọi điều, mỗi lĩnh vực đều có những sai sót nhất định. Tôi mong muốn rằng qua lần lấy phiếu này từng người, với từng trọng trách nắm giữ cần ý thức hơn, nghiên cứu, chấn chỉnh kịp thời, để bộ máy vận hành tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và đất nước. Tôi hy vọng là như thế và đây cũng là mục đích chính của lần lấy phiếu này.

ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): Thể hiện tương đối khách quan

Kết quả này cũng gần đúng với những dự báo của nhiều người trước phiên lấy tín nhiệm và thể hiện tương đối khách quan. Từ kết quả này, tôi nghĩ các đồng chí được giao trách nhiệm cũng phải rút kinh nghiệm để xem mình còn khuyết mảng nào, phải cố gắng cái gì để có chương trình hành động, kế hoạch thời gian tới. Đồng thời, tôi cũng thấy rằng ban tổ chức đã phân loại nhóm phiếu rất tốt, để ĐBQH có thời gian so sách, suy nghĩ, tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho đại biểu bỏ phiếu chính xác. Tuy nhiên, lần sau nên có nhiều thời gian chuẩn bị hơn để đại biểu nghiên cứu phiếu. Hoặc là thời gian bỏ phiếu nên giãn ra để ĐBQH  có thời gian hơn xem xét các vấn đề, kết quả sẽ chuẩn xác hơn.

ĐB Vũ Trọng Kim (đoàn Quảng Ngãi): Bỏ phiếu cho những người dám nghĩ, dám làm

Quan điểm của tôi là bỏ phiếu cho những người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm nhưng phải mang lại hiệu quả chứ không phải làm không có căn cứ khoa học, làm không có sự chuẩn bị chu đáo về các giải pháp và cơ sở khoa học. Tuy nhiên, để lần bỏ phiếu sau có hiệu quả, cần phải có cơ chế về cung cấp thông thông tin, trao đổi, đối thoại làm rõ đối với những vị trí, chức danh được nhân dân giao phó để nói rõ được kết quả thực hiện cho nhân dân, cho xã hội. Cùng với đó các đại biểu cần chủ động tiếp cận thông tin đa dạng nhiều chiều có bản lĩnh và sự quyết định cao khi đưa ra kết luận của mình vừa có cơ sở khoa học vừa có tính thực tiễn. Qua lần lấy phiếu này, tôi nghĩ đây sẽ là thước đo cho những đồng chí có loại phiếu đánh giá khác nhau sẽ vươn lên, khắc phục những điều mà mình còn hạn chế.

ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Là sự nhắc nhở trách nhiệm

Điều đầu tiên đáng ghi nhận là toàn bộ quy trình lấy phiếu rất minh bạch, công khai. Còn kết quả cụ thể, mỗi người có một ý kiến khác nhau, nhưng nhìn tương quan trong tổng thể giữa các bộ trưởng, giữa các vị giữ trọng trách khác nhau với thực tiễn đời sống tôi thấy số phiếu phản ánh tương đối đúng và khá trung thực. Một số ngành tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp khá cao như ngành y tế, giao thông, ngân hàng… vì đây là những ngành đang có nhiều điểm “nóng”. Nhưng tôi nghĩ, một trong những mục tiêu quan trọng của lần bỏ phiếu này là sự nhắc nhở trách nhiệm và cũng qua đó mỗi vị bộ trưởng và mỗi cương vị nhận thức được vị thế mà mình đang đảm nhận chắc chắn sẽ có tác động tích cực.