KTĐT - Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh tới nhu cầu đối với các cơ chế nội bộ và quốc tế mà cho phép các công ty làm ăn thua lỗ được phá sản với chi phí tối thiểu đối với những người đóng thuế và chấm dứt thảm họa "các công ty quá lớn hay quá quan trọng để sụp đổ".
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Dominique Strauss-Kahn, ngày 18/10 đã cảnh báo các quan chức cấp cao của các ngân hàng trung ương của các quốc gia trên thế giới rằng sự phục hồi toàn cầu sẽ "gặp nguy hiểm" nếu như các nền kinh tế lớn trên thế giới không hợp tác với nhau trong bối cảnh có những lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ.
Ông Strauss-Kahn đưa ra phát biểu nói trên sau khi kết thúc hội nghị ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc, với sự tham gia của các quan chức cấp cao từ châu Á, châu Phi, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ.
Hội nghị này, do ông Strauss-Kahn và Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đồng chủ trì, được tổ chức tiếp theo sau cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF hồi đầu tháng này ở thủ đô Washington, nơi các bộ trưởng tài chính và các lãnh đạo ngân hàng trung ương đã không đồng ý được với nhau về phương thức giải quyết vụ tranh chấp tiền tệ giữa các cường quốc, và trước thềm hội nghị bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra ở Hàn Quốc cuối tuần này.
Tại hội nghị ở Thượng Hải, các quan chức tài chính đã thảo luận về cách thức tăng cường sự phục hồi khỏi cơn suy thoái nghiêm trọng nhất từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 cũng như củng cố hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông Strauss-Kahn phát biểu: "tinh thần hợp tác phải được duy trì. Nếu không có điều đó, sự phục hồi sẽ nguy hiểm."
Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh tới nhu cầu đối với các cơ chế nội bộ và quốc tế mà cho phép các công ty làm ăn thua lỗ được phá sản với chi phí tối thiểu đối với những người đóng thuế và chấm dứt thảm họa "các công ty quá lớn hay quá quan trọng để sụp đổ".
Tại hội nghị của bộ trưởng tài chính Nhóm G-20 cuối tuần này, Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo sự rạn nứt về vấn đề tỷ giá tiền tệ đang gia tăng và có thể dẫn tới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Mỹ, trước sức ép của cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào đầu tháng tới, đã gia tăng áp lực đối với Trung Quốc về vấn đề tăng giá đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh một mực cho rằng đồng Nhân dân tệ không được sử dụng như một "vật tế thần" cho những khó khăn kinh tế của Mỹ.