Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khách hàng Châu Á giúp công ty Nga tăng gấp đôi doanh thu từ LNG?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tính toán, những khách hàng mua khí thiên nhiên hóa  lỏng tại châu Á sẽ giúp dự án Sakhalin 2 của Nga đạt doanh thu từ 3,8-4,5 tỷ USD  trong năm nay.

Doanh thu từ dự án Sakhalin 2 được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm nay bất chấp khủng hoảng Ukraine. Ảnh: Kyodo
Doanh thu từ dự án Sakhalin 2 được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm nay bất chấp khủng hoảng Ukraine. Ảnh: Kyodo

Nguồn thu từ dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin 2 của Nga trong năm nay có thể tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi bùng nổ xung đột tại Ukraine nhờ các hợp đồng dài hạn với khách hàng châu Á cũng như giá bán tăng cao, theo nhận định của giới phân tích và tính toán của hãng tin Reuters.

Theo ước tính của Reuters, việc các hợp đồng xuất khẩu LNG sang châu Á được gia hạn trong năm nay giúp dự án Sakhalin 2 tiêu thụ được 6,5 triệu tấn.

Nhà phân tích thị trường Masanori Odaka của Rystad Energy nói rằng các khách hàng châu Á có thể đem lại cho các cổ đông của Sakhalin 2 nguồn thu từ 3,8-4,5 tỷ USD trong năm 2023.

Trong khi đó, theo Alexei Kokin - nhà phân tích trưởng tại công ty môi giới Otkritie, dự án Sakhalin 2 của Nga có thể đạt doanh thu khổng lồ tới 7,45 tỷ USD trong năm nay nếu duy trì sản lượng như năm 2022 và bán 4,9 triệu tấn LNG trên thị trường giao ngay.

Một quan chức cấp cao của dự án khí đốt tại vùng Sakhalin (Nga) cho biết, ước tính dự án Sakhalin 2 đã sản xuất được 11,4 triệu tấn LNG trong năm 2022.

Trong năm 2021, tổng doanh thu của Sakhalin 2 là 5,7 tỷ USD và lợi nhuận ròng đạt 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong năm ngoái, giá LNG giao ngay tại châu Á đã tăng 42%, lên mức trung bình 38,80 USD/ MMBTU.

Theo chuyên gia Odaka, giá LNG giao ngay ở châu Á trong năm nay được ước tính cao hơn so với các giao dịch dài hạn.

Dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy sản lượng khí LNG được Trung Quốc nhập khẩu từ dự án Sakhalin 2 trong năm 2022 đã tăng hơn gấp đôi.

Hồi tuần trước, công ty khí đốt Osaka của Nhật Bản vừa gia hạn thỏa thuận mua khí LNG từ Sakhalin 2. Theo đó, công ty này sẽ tiêu thụ 200.000 tấn LNG mỗi năm, tương đương khoảng 2% sản lượng của Sakhalin 2.

Tại Hàn Quốc, người phát ngôn của KOGAS cho biết công ty sẽ tiếp tục mua LNG theo hợp đồng kéo dài 10 năm với dự án Sakhalin 2. Bên cạnh đó, một loạt các công ty khí đốt của Nhật Bản, gồm Hiroshima Gas, JERA, Kyushu Electric, Saibu Gas, Toho Gas, Tohoku Electric và Tokyo Gas cũng đã gia hạn các hợp đồng mua khí đốt của Sakhalin 2.

Nhà điều hành mới của dự án tài nguyên thiên nhiên ở vùng Viễn Đông nước Nga được thành lập vào ngày 5/8/2022 theo một sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo các nguồn tin, công ty mới đã đưa ra các điều khoản hợp đồng tương tự như dưới thời công ty tiền nhiệm cho các nhà khai thác năng lượng. Một chi nhánh của công ty năng lượng Nga Gazprom đang nắm cổ phần kiểm soát trong nhà điều hành mới.

Trước đây, Gazprom nắm khoảng 50% cổ phần trong nhà điều hành cũ. Con số do tập đoàn dầu khí Shell PLC của Anh nắm giữ là khoảng 27,5% trước khi họ quyết định rút lui vì căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát thành xung đột quân sự.