Đây là nhận định của các chuyên gia xung quanh vụ việc VTVcab bất ngờ cắt hàng loạt kênh truyền hình quốc tế trong gói dịch vụ mà không thông báo tới khách hàng.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN (Hà Nội), Hợp đồng mẫu mà VTVcab đã đăng ký với Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương quy định, VTVcab chỉ được thực hiện việc thay đổi số lượng kênh và kênh trong mỗi gói dịch vụ sau khi đã đăng tải tại trang điện tử http://www.vtvcab.vn và thông báo tới bên sử dụng dịch vụ dưới một trong các hình thức: Nhắn tin trực tiếp tới số điện thoại di động của Bên sử dụng dịch vụ (nếu bên sử dụng dịch vụ đăng ký nhận thông báo bằng tin nhắn); Hoặc gửi thông báo đến bên sử dụng dịch vụ theo địa chỉ mà bên sử dụng dịch vụ đăng ký. Tuy nhiên, các khách hàng đều phản ánh họ không nhận được thông báo nào từ VTVcab. Ngoài ra, Hợp đồng mẫu cũng quy định rõ, nếu bên sử dụng dịch vụ không có nhu cầu sử dụng hoặc không đồng ý với việc VTVcab thay đổi số lượng kênh và kênh trong gói dịch vụ, có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. “Căn cứ nội dung hợp đồng mẫu của VTVcab, trong trường hợp này khách hàng hoàn toàn có thể chấm dứt hợp đồng và khởi kiện VTVcab” – ông Hiệp khẳng định.Trước đó, chiều 3/4, đại diện Cục CT&BVNTD cho biết, cơ quan này đã yêu cầu VTVcab báo cáo sự việc để xác minh. Theo quy định tại Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, truyền hình trả tiền do VTVcab đang cung cấp là lĩnh vực dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi giao kết với người sử dụng dịch vụ. Phía VTVcab đã đăng ký Hợp đồng theo mẫu tại Cục CT&BVNTD.Căn cứ theo Hợp đồng mẫu này cùng với phản ánh của hàng loạt khách hàng thời gian qua, có thể thấy rõ VTVCab đã không thực hiện việc thông báo tới khách hàng theo quy định tại hợp đồng, do đó khách hàng có thể chấm dứt hợp đồng hoặc khiếu nại VTVCab. Các luật sư cũng cho rằng, khách hàng có thể khởi kiện VTVCab. Hiện tại, nhiều khách hàng ở Hà Nội đã gọi điện tới bộ phận chăm sóc khách hàng của VTVcab yêu cầu cắt dịch vụ. “Tôi đã gọi điện đề nghị cắt dịch vụ từ hôm qua, nhưng họ vẫn loanh quanh thuyết phục tôi duy trì để “cảm nhận các kênh mới”. Nhưng con tôi muốn xem kênh Cartoon Network, bố tôi muốn xem Discovery, họ không trả lại những kênh đó thì tôi phải hủy hợp đồng và hoàn trả lại số tiền cước tôi đã đóng” – chị Lê Hạnh (Linh Đàm, Hà Nội) bất bình. Theo phản ánh của chị Hạnh, thời gian gần đây chất lượng phát sóng của VTVCab không ổn định, giá cước lại cao, nhưng vì sử dụng VTVcab đã nhiều năm nên gia đình chưa muốn chuyển đổi. Tuy nhiên, sau sự việc VTVCab đột ngột cắt các kênh yêu thích của gia đình, chị quyết định lựa chọn nhà cung cấp khác. Hiện trên thị trường truyền hình trả tiền có rất nhiều nhà cung cấp có cách tính phí cạnh tranh hơn VTVcab như: Viettel, FPT, SCTV...
Ngày 17/4 tới, VTVCab sẽ chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 42,2 triệu cổ phần, tương đương 47,84% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 140.900 đồng/cổ phần. Được biết, tính đến cuối quý III năm 2017, nợ phải trả của VTCcab vào khoảng 2.026 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.246,8 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn gần 300 tỷ đồng. |